Bộ Tài chính cho hay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ, xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống quản lý hóa đơn điện tử, đáp ứng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hoá đơn, chứng từ, hướng đến lộ trình “khai tử” hoá đơn giấy vào ngày 1/7/2022.

Dự kiến, trước khi triển khai trên toàn quốc, hệ thống hóa đơn điện tử sẽ được triển khai trước tại các cục thuế ở 6 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định) vào khoảng cuối năm 2021.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay, cả nước hiện có 255 doanh nghiệp thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC của Bộ Tài chính và hơn 550.000 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

{keywords}
Sắp triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố (Ảnh minh họa)

Hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sử dụng.

Số lượng hóa đơn điện tử mà doanh nghiệp sử dụng trong 1 năm khoảng gần 1,3 tỷ hóa đơn. Số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng trong năm 2020 khoảng 2,3 tỷ hoá đơn, chiếm khoảng 50% tổng số hóa đơn sử dụng trong năm 2020.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu suất làm việc.

Đối với các doanh nghiệp, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số khi tiến hành số hóa, tự động hóa tất cả các quy trình làm việc để thay thế phương thức làm việc thủ công, kém hiệu quả trước đây; giảm được chi phí in ấn, đặc biệt là chi phí lưu trữ hóa đơn. Doanh nghiệp không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không mất thời gian lập tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, mức độ bảo mật của hóa đơn điện tử được đánh giá tốt hơn so với hóa đơn giấy vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khả năng làm giả hóa đơn là khó. Do đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy sẽ khắc phục được gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn.

Hệ thống hoá đơn điện tử được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.

Trong giai đoạn từ năm 2017-2019, ngành thuế đã phát hiện 7.474 doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, với gần 500.000 hóa đơn vi phạm, truy thu gần 200 tỷ đồng tiền thuế. Trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp giảm mạnh, nhưng mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, số tiền mà ngành thuế đã truy thu được từ việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp lên tới 6.599 tỷ đồng.

Anh Tuấn

Từ 1/7/2022, chính thức 'khai tử' hóa đơn giấy

Từ 1/7/2022, chính thức 'khai tử' hóa đơn giấy

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn giấy vẫn được sử dụng đến hạn cuối cùng là ngày 30/6/2022. Từ 1/7/2022, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải chuyển sang hóa đơn điện tử.