Theo Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), từ những năm 1950, con người đã sản xuất ra 8.3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6.3 tỷ tấn là rác thải nhựa.
Hiện mới chỉ một phần nhỏ lượng rác nhựa mà chúng ta thải ra được đem đi tái chế hoặc xử lý đúng cách. Trên thực tế, hơn 70% tổng số rác nhựa được đổ ra các bãi rác hoặc vứt bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Trong năm 2010, các đại dương đã phải hứng chịu khoảng 8 triệu tấn rác nhựa. Việt Nam đứng thứ tư trong số năm quốc gia xả rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.
Từ nay tới năm 2025, lượng rác nhựa thải vào đại dương có thể lên tới 155 triệu tấn. Giữa bang California và Hawaii đã xuất hiện một vùng biển bị che phủ bởi rác nhựa nổi, với diện tích lên tới 1.6 triệu km2, được các nhà khoa học đặt tên là “Bãi rác Khổng lồ của Thái Bình Dương”. Tác hại của nhựa ngày càng nghiêm trọng khi có tới hơn 800 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác nhựa, đó là chưa kể đến hậu quả đối với sức khỏe con người.
WWF đã xác nhận rằng những thiệt hại do nhựa gây ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế cao "gấp mười lần" so với chi phí sản xuất ra nhựa. WWF dự đoán: "Nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hạn chế sản xuất, cái giá phải trả cho ô nhiễm nhựa sẽ sớm lên tới 7.100 tỷ USD/năm, tương đương với 6.520 tỷ euro, lớn hơn cả GDP của Đức, Australia và Canada cộng lại
Sản lượng nhựa hàng năm hiện ở mức 460 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua và có thể tăng gấp 3 vào năm 2060 nếu không có biện pháp nào được thực hiện. Ước tính môi trường sinh sống của hơn 2.000 loài động vật đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và gần 90% các loài được nghiên cứu đang chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Năm 2022, người đứng đầu chính sách nhựa toàn cầu thuộc WWF cho rằng cộng đồng quốc tế đang đứng trước "cơ hội chỉ có một trong đời" để cùng đoàn kết và thống nhất về các quy định và luật lệ cần thiết giúp ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa ở cấp độ toàn cầu. Phát biểu được đưa ra như một phần lời kêu gọi của WWF nhằm đạt được một hiệp ước ngăn chặn rác thải nhựa toàn cầu.
Kết quả khảo sát trực tuyến mới nhất được Quỹ không rác thải nhựa của WWF công bố cho thấy trong số trên 20.000 người từ 34 quốc gia tham gia khảo sát có tới 70% ủng hộ các nước nhất trí một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ rác thải nhựa, với các quy định và luật lệ ràng buộc tất cả các quốc gia. Lãnh đạo của chính sách nhựa toàn cầu thuộc WWF cho rằng kết quả trên phản ánh sự đồng lòng, nhất trí cao từ người dân trên toàn thế giới.
Trong hơn 3 năm qua, phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán liên chính phủ nhằm xây dựng một công cụ có tính ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó có môi trường đại dương, đã diễn ra tại Uruguay vào năm 2022. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2024 hướng đến mục tiêu hình thành một thỏa thuận thực sự hiệu quả để loại bỏ rác thải nhựa vào năm 2025.