Từng bước thoát nghèo

Ông Hưng ở xã Chí Đạo của huyện Lạc Sơn, (Hòa Bình)là một điển hình của người  nông dân nhờ  mô hình chăn nuôi dê, bò, gà thoát nghèo, nâng cao kinh tế ở địa phương.

Trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, bản thân ông không có nghề nên phải đi làm thuê, thu nhập mỗi ngày vài chục ngàn đồng. Vợ ông thì hằng ngày phải mang rau ra chợ bán, thu nhập cũng chẳng được là bao nên cuộc sống rất khó khăn.

Năm 2017, gia đình ông vay 20 triệu đồng từ vốn vay hộ cận nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội để mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, bò đã sinh được 2 con bê. Ngoài ra, tận dụng địa hình núi đá, gia đình ông nuôi thêm dê núi, gà bản địa.

"Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội cũng mua trâu, bò hoặc lợn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, các vật nuôi đều phát triển tốt, trở thành động lực để chúng tôi không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước làm giàu” - ông Hưng kể.

{keywords}
Nhờ nguồn vốn chính sách, ông Hưng chăn nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua thời gian làm ăn có lãi, ông Hưng vừa trả nợ đúng hạn và được xét cho vay tiếp với số vốn lớn hơn là 50 triệu đồng. Cùng với số vốn vay mới này và số tiền tiết kiệm, mượn thêm người thân, hiện, ông đang tiếp tục đầu tư cho mô hình sản xuất chăn nuôi của mình. Tính bình quân, mỗi  tháng từ mô hình chăn nuôi này,  ông thu về hàng chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Toan – một người dân khác ở xã vùng sâu cũng từng thuộc diện hộ nghèo, phải đi làm thuê cho các nhà hàng trên tỉnh Hòa Bình.

Năm 2017, được tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 30 triệu đồng, chị mở cửa hàng bách hóa tổng hợp. Qua 1 năm làm ăn có lãi, chị trả nợ đúng hạn nên được xét cho vay tiếp với số vốn 50 triệu đồng. Cùng với số tiền làm ăn tích cóp có được, cộng với số vay mới, chị mở rộng cửa hàng và tìm thêm nguồn hàng mới buôn bán cho người dân địa phương.

Xóm Be Dưới có 2 tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Nhạn đang là tổ trưởng phụ trách 44 hộ vay, với dư nợ gần 1,1 tỷ đồng. Nhờ đầu tư vốn đúng mục đích nên các hộ đều trả lãi, nợ đúng hạn. Bà con mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện, tăng mức cho vay để đầu tư sản xuất.

Ngân hàng đồng hành cùng người nghèo

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn, với nền kinh tế thuần nông, thế nhưng, những năm trở lại đây, Chí Đạo đã ngày càng thay da đổi thịt. Đó là thành quả của công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mà nổi bật là cây dổi đã giúp đời sống của người dân Chí Đạo thực sự bước sang một trang mới.

Cùng đồng hành với công cuộc xóa đói, giảm nghèo của người dân nơi đây, không thể không nhắc đến vai trò của đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Ông Bùi Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng cho hay, Nhờ làm tốt công tác giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn bà con về sản xuất, các hội viên đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, nhiều hộ đã xây dựng được mô hình kinh tế đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Ông Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết: Vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, hộ nghèo, cận nghèo đã mua được trâu, bò, lợn để phát triển kinh tế và xóa được các ngôi nhà tạm bợ. Hiện nay, vốn vay ngày càng được mở rộng, nên tất cả bà con trên địa bàn đều có thể vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội nếu có nhu cầu. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019, thu nhập bình quân của xã đạt 27,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn hơn 20%.

"Các nguồn vốn vay ưu đãi thực sự trở thành động lực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã Chí Đạo.

Chúng tôi mong muốn Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục tăng nguồn vốn cho vay, mức vay, nhất là các nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, hay vốn vay cho những hộ thoát nghèo để họ có điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” - đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã bày tỏ.

Thu Huyền
Ảnh: Khánh Hòa