Khi trình bày “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Bác Hồ đã khẳng định: “Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết”.
Quan điểm này trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước trong vấn đề hoạch định và thực thi chính sách tín ngưỡng, tôn giáo. Việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã thẩm thấu trong đời sống của đồng bào tôn giáo và toàn xã hội. Điều này khiến đồng bào tôn giáo yên tâm tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Trong mỗi giai đoạn phát triển đất nước, thời kỳ đất nước đổi mới thì chủ trương chính sách ấy càng được phát huy và lan tỏa.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các tôn giáo ở nước ta có truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo.
Đánh giá về các nguồn lực tôn giáo tham gia xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng như bảo vệ môi trường...., Tiến sĩ Lê Thị Liên- một trong những chuyên gia có bề dày trong công tác nghiên cứu về tôn giáo nhấn mạnh:
Nguồn lực tôn giáo thông thường biểu hiện ở 3 nội dung lớn. Thứ nhất là nguồn lực nhân lực. Nguồn nhân lực này đang đóng góp vào quá trình phát triển đất nước. Thứ hai là nguồn lực tinh thần. Đây là giá trị đạo đức qua triết lý tôn giáo, triết lý dạy cho con người ta làm điều tốt, hướng thiện và cũng là giá trị bền vững mà tôn giáo nào cũng hướng đến. Thứ ba là nguồn lực giá trị vật chất, thể hiện qua các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo…
Đối với các tổ chức tôn giáo thì hoạt động từ thiện trong các lĩnh vực y tế, giáo dục là truyền thống. Công giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác đã mở rất nhiều trường, lớp từ thiện dạy văn hóa, ngoại ngữ, nhất là trường mầm non của tôn giáo trở thành trường chuẩn Quốc gia. Hay những cơ sở thờ tự trở thành phòng khám, phòng thuốc nam hay các chuyến xe cứu thương từ thiện… Những hoạt động này được thực hiện hàng ngày chứ không chỉ trong lúc xảy ra thiên tai dịch bệnh. Các tổ chức tôn giáo chung tay các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện bằng giá trị đạo đức tôn giáo và phục vụ người dân một cách không vụ lợi.
Tiến sĩ Lê Thị Liên nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây chính là động lực thúc đẩy, phát huy các nguồn lực tôn giáo phát triển. Các cơ quan làm công tác tôn giáo và liên quan đến công tác tôn giáo luôn hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích, ghi nhận và lan tỏa những đóng góp của các tổ chức tôn giáo. Từ đó tạo thêm động lực cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành nói riêng và các tổ chức tôn giáo nói chung tiếp tục đường hướng góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Bảo Phùng, Phạm Ánh, Anh Duy