Năm 2023 được xác định là “Năm Dữ liệu số quốc gia” nhằm giúp khai thác dữ liệu số, tạo ra các giá trị mới trong phát triển. Dữ liệu số là yếu tố quan trọng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS) của các bộ, ngành và địa phương.

Đồ họa thể hiện xếp hạng các nhóm chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Đồng Nai
so với các tỉnh, thành trên cả nước theo kết quả chỉ số Chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 do Bộ TT-TT công bố vào tháng 7-2023
Đồ họa thể hiện xếp hạng các nhóm chỉ số thành phần để đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Đồng Nai so với các tỉnh, thành trên cả nước theo kết quả chỉ số Chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 do Bộ TT-TT công bố vào tháng 7-2023. Nguồn: Sở TT-TT - Đồ họa: HẢI HÀ

Tại Đồng Nai, tỉnh đã và đang chú trọng thực hiện phát triển cơ sở dữ liệu, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số thống nhất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Cần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu

Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (phần mềm một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh) kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực trong tỉnh đã được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng, dữ liệu số của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Điều này tác động không nhỏ tới quá trình CĐS trên địa bàn.

Kết quả chỉ số CĐS (DTI) cấp tỉnh năm 2022 do Bộ TT-TT công bố trong tháng 7 vừa qua cho thấy, nhiều chỉ số liên quan tới hạ tầng, dữ liệu số của tỉnh vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm tại địa phương, đơn vị có các mô hình trung tâm điều hành, mô hình quản trị thực tế về CĐS ở TP.Biên Hòa, TP.HCM và tỉnh Bình Dương… UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng Tư vấn CĐS của tỉnh với nhiều chuyên gia, đại diện các hội, hiệp hội, DN về CĐS, hạ tầng, dữ liệu số, an toàn thông tin…

Theo Sở TT-TT, chỉ số về hạ tầng số của tỉnh đạt 69,57/100 điểm, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành. Chỉ số về hoạt động chính quyền số đạt 91,6/200 điểm, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành. Theo đó, yếu tố dẫn đến chỉ số này của tỉnh thấp là do việc chưa hoàn thành nhiều nhiệm vụ về dữ liệu, dịch vụ dữ liệu phục vụ chính quyền số, các nền tảng hỗ trợ công chức, người dân, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến còn thấp…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ, trong thời gian qua, việc đầu tư thực hiện các dự án về CĐS nói chung, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, CĐS từ tỉnh đến cơ sở nói riêng chưa đáp ứng được kỳ vọng, yêu cầu về triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, khắc phục các mặt còn hạn chế, nỗ lực để triển khai hiệu quả các tiêu chí về chính quyền số. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đầu tư các dự án về xây dựng hạ tầng số, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, hình thành hệ thống dữ liệu…

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.

Triển khai mô hình CĐS phù hợp đến cấp huyện, xã

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc nâng cao nhận thức số, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu ở các địa phương thì vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư các dự án về CĐS là rất quan trọng trong quá trình CĐS, không đầu tư trùng lắp, dàn trải những cấu phần ít có tác động, ít sử dụng, lãng phí tài lực và thời gian.

Hiện nay, tỉnh đã hình thành các cơ sở dữ liệu nền như: công dân, nhân khẩu, hộ khẩu, đất đai; cán bộ, công chức, viên chức; thủ tục hành chính…

Các sở, ngành, địa phương đã triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm mô phỏng toàn bộ hoạt động và hình thành dữ liệu dùng chung trong từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Vấn đề hiện nay là kết nối các nguồn cơ sở dữ liệu này một cách đồng bộ, phù hợp.

Đoàn công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tham quan mô hình quản trị dữ liệu tại trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa)

Theo Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh về phương án, kế hoạch triển khai các dự án về CĐS, đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu một cách phù hợp, đồng bộ, thống nhất theo phương hướng, mô hình là “tỉnh triển khai, cấp huyện thụ hưởng và cấp xã tham gia”.

Cách thức triển khai mô hình sẽ có sự giao thoa giữa thể chế, nhân lực và hạ tầng số. Trong đó, về mặt thể chế, cơ quan chính quyền (Sở TT-TT chủ trì) sẽ định hướng, quản lý mô hình triển khai.

Về mặt nhân lực trong quá trình triển khai mô hình sẽ có sự giao thoa, kết hợp phù hợp giữa nguồn nhân lực của các cơ quan nhà nước và của các DN về CĐS, qua đó giải quyết bài toán về nguồn nhân lực trong CĐS. Về hạ tầng sẽ cần sự đồng hành, giúp sức từ các đơn vị, DN về viễn thông, hạ tầng số.

“Dữ liệu đang tăng theo cấp số nhân. Do đó, việc xây dựng hệ thống dữ liệu, hạ tầng số là vô cùng cấp bách. Khi hình thành được hạ tầng số thì mới phát triển, kết nối được các lớp dữ liệu, từ đó mới phát huy hiệu quả của các ứng dụng, nền tảng số về chính quyền số, kinh tế số, xã hội; cũng như đáp ứng các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin…” - ông Tạ Quang Trường nhấn mạnh.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Cần tăng cường nâng cao nhận thức, kết nối các chuyên gia về CĐS.

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu đồng bộ, an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu vận hành của CĐS, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường nâng cao về nhận thức CĐS, tổ chức kịp thời, hiệu quả những hội thảo liên quan đến CĐS.

Những vấn đề chưa rõ thì cần mời ngay các chuyên gia về giảng dạy, tư vấn sát sườn; triển khai các hoạt động học tập kinh nghiệm về CĐS một cách phù hợp. Qua đó, kịp thời rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả của quá trình CĐS một cách xứng tầm với sự phát triển của tỉnh, cũng như phục vụ cho người dân, DN ngày càng
tốt hơn…

 

TS HUỲNH CAO TUẤN, Giám đốc Trung tâm Thông tin dữ liệu, Trường đại học Lạc Hồng: Hạ tầng số đóng vai trò quan trọng trong quá trình CĐS

Hạ tầng viễn thông, kết nối internet là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quá trình CĐS, bởi nếu hạ tầng này không đáp ứng thì gần như không thể làm được gì. Do đó, ngay từ đầu, nhà trường chấp nhận đầu tư chi phí lớn để kéo cáp quang nội bộ giữa các cơ sở nhằm đảm bảo hạ tầng internet. Từ đó, giúp nhà trường phát triển các nền tảng, hệ thống truy vấn dữ liệu hiệu quả.

Tính đến nay, sau 15 năm vận hành hạ tầng, hệ thống dữ liệu số, nhà trường đã phát triển được 45 phần mềm, bao gồm các phần mềm phục vụ cho việc truy vấn dữ liệu, phục vụ dạy học, phục vụ quản lý tài chính, nhân sự - nhân lực... Trong đó, có khoảng 70% hệ thống vận hành của nhà trường đã được CĐS.

 

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG MINH (Khoa Điện - điện tử Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM): Cần sớm tích hợp các nguồn dữ liệu về hành chính công.

Đồng Nai có nhiều tiềm năng, điều kiện để triển khai ứng dụng phân tích dữ liệu trong lĩnh vực hành chính công. Tỉnh đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, để việc triển khai ứng dụng này phát huy hiệu quả thì địa phương cần chủ động xây dựng, tích hợp dữ liệu một cách đồng bộ, phù hợp và kịp thời. Ngoài ra, địa phương cần lưu ý tới những rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin, độ tin cậy của hệ thống vận hành…

Hoàng Hải (ghi)