Trên địa bàn Đồng Nai có khoảng 32 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do tiềm lực hạn hẹp, các  doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu tập trung nguồn lực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm nhiều đến công tác pháp chế.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít quan tâm đến vấn đề pháp lý, chủ  doanh nghiệp thường giao trách nhiệm cho kế toán nghiên cứu văn bản pháp luật liên quan đến tài chính, quản trị  doanh nghiệp và các quy định về giao dịch của  doanh nghiệp để thực hiện việc soạn thảo hợp đồng ký kết với đối tác. Khi có vấn đề tranh chấp phát sinh,  doanh nghiệp mới tìm tới luật sư, chuyên gia giúp đỡ, hỗ trợ.

Chính vì vậy, khi gặp vấn đề pháp lý phát sinh, không ít  doanh nghiệp vừa và nhỏ lúng túng, vì thiếu đội ngũ pháp chế giỏi tại  doanh nghiệp để giải quyết vấn đề.  Qua khảo sát của Bộ Tư pháp, cả nước chỉ có 38%  doanh nghiệp có bộ phận pháp chế (trong đó cán bộ pháp chế chuyên trách chiếm 44%, còn 56% là kiêm nhiệm). Do đội ngũ pháp chế tại các  doanh nghiệp ít được quan tâm, bố trí nguồn lực phù hợp, nên khi nào doanh nghiệp cần thì mới tìm tới các luật sư, chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

capturedoanh nghiep dong nai.jpg
Tìm giải pháp kết nối giúp doanh nghiệp bớt lúng túng vấn đề pháp lý.

Để góp phần cùng các cấp, ngành trong chương trình hỗ trợ pháp lý cho  doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, Đoàn Luật sư Đồng Nai đã phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho  doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) tổ chức 2 hội nghị: Áp dụng pháp luật lao động cho  doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Một số mô hình hỗ trợ pháp lý hiệu quả cho  doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút hàng trăm cán bộ pháp chế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuyên gia pháp lý trên nhiều lĩnh vực để trao đổi thực tiễn.

Tại các hội thảo, tọa đàm do Đoàn Luật sư Đồng Nai phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025 trong năm 2023, chủ một số  doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, chỉ khi nào doanh nghiệp phát sinh vấn đề tranh chấp lớn, phức tạp mới có nhu cầu mời luật sư, chuyên gia tư vấn, giải quyết bằng việc giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý; hoặc  doanh nghiệp chọn giải pháp tự tìm hiểu thông tin trên mạng, sử dụng nguồn nhân sự không chuyên về lĩnh vực pháp luật trong  doanh nghiệp.

Đây là tình trạng khá phổ biến của  doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Dù vậy, vẫn tốt hơn là  doanh nghiệp tự bơi bằng khả năng của mình dẫn tới nguy cơ rủi ro cao hơn.

Hoạt động trợ giúp pháp lý cho  doanh nghiệp vừa và nhỏ là trách nhiệm của nhiều cơ quan và được cụ thể hóa tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24-6-2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho  doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của  doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của  doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, Đồng Nai có gần 500 luật sư đang hoạt động nghề nghiệp tại 147 tổ chức hành nghề. Đây là nguồn lực, kênh uy tín cho các  doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh tìm đến khi có nhu cầu. Tuy nhiên, để gắn kết chặt hơn mối quan hệ luật sư với  doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, thời gian tới, cần nhiều hoạt động đa dạng, hình thức phong phú hơn để gắn kết như: hội thảo, tọa đàm, tư vấn trực tiếp, trao đổi, đối thoại… giữa  doanh nghiệp với các chuyên gia, luật sư.

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, một khi  doanh nghiệp ý thức, nâng tầm sự quan trọng của vấn đề pháp lý, pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành, giao kết hợp đồng, thực hiện nghiêm các nghĩa vụ như: thuế, an toàn lao động, sức khỏe người lao động… thì mới phòng tránh được nhiều rủi ro chủ quan lẫn khách quan mang đến và lúc này mối quan hệ giữa  doanh nghiệp với luật sư, chuyên gia được cải thiện.

Kim Duyên và nhóm PV, BTV