“Điểm nghẽn” hệ thống hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

Giao thông kết nối được xem là một “điểm nghẽn”, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Bộ trong một thời gian dài. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra hệ thống hạ tầng là điểm nghẽn quan trọng cần khơi thông đầu tiên để tạo ra đột phá phát triển vùng Đông Nam Bộ. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, gồm các tuyến đường bộ cao tốc, hành lang kinh tế.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, trong gần 2 năm qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ đã được triển khai đầu tư xây dựng. Tháng 6/2023, đồng loạt 2 dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gồm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - TP.HCM đã được khởi công.

Ngoài 2 dự án trên, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối khác của vùng Đông Nam Bộ cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư.

Trong giai đoạn 2026-2030, vùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư hệ thống metro TP.HCM và sớm đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ…

Hiện nay, Chính phủ đã chính thức giao TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM, tuyến đường bộ lớn nhất từ trước đến nay của vùng Đông Nam Bộ.

ảnh bài 36.jpg
 Ảnh: Nguyễn Huế

Dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM có tổng chiều dài gần 207km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Dự án sẽ được triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư hơn 136 ngàn tỷ đồng.

Đồng Nai tập trung tối đa nguồn lực phát triển hệ thống giao thông kết nối

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề Tăng trưởng kinh tế “2 con số” vùng Đông Nam Bộ năm 2025: “Thách thức, cơ hội và giải pháp” vào ngày 2/12 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, Đồng Nai nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng. Do đó, tỉnh luôn tập trung tối đa nguồn lực triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, theo quy hoạch hệ thống giao thông được duyệt, đối với hệ thống đường bộ, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến đường cao tốc; 2 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài hơn 280km.

Về đường sắt, Đồng Nai được quy hoạch 4 tuyến đường sắt quốc gia gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dài 80km); đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và Dự án Đường metro kéo dài kết nối Biên Hòa - Suối Tiên.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa, cảng cạn với 42 cảng biển, 9 cảng cạn (ICD) và 15 tuyến sông nội địa, với chiều dài hơn 153km.

Riêng đối với hàng không, Đồng Nai là một trong số ít các địa phương được quy hoạch có 2 cảng hàng không (sân bay) với Sân bay Long Thành đang triển khai thi công và Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 4 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai xây dựng gồm: Sân bay Long Thành; các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với Dự án Sân bay Long Thành, đến nay, Đồng Nai đã bàn giao toàn bộ mặt bằng thực hiện dự án cũng như mặt bằng thi công 2 tuyến giao thông kết nối sân bay.

Với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng và thi công dự án thành phần 1 và sẽ xử lý dứt điểm, bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 12/2024. Về tiến độ xây dựng, đoạn qua địa bàn tỉnh dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2026.

Tương tự, đối với Dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12/2024 và hoàn thành thi công xây dựng vào cuối tháng 4/2026.

Riêng Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tỉnh đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.

Nguyễn Huế