Đồng Nai hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 26,8 triệu con, tăng hơn 6% so với cùng kỳ và đứng thứ 2 cả nước. Vật nuôi chủ lực là gà với khoảng 25,6 triệu con, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 660 trang trại được chứng nhận và duy trì 38 xã vùng đệm, 5 vùng an toàn dịch đối với bệnh cúm gia cầm.

{keywords}
  Người chăn nuôi rất ủng hộ việc xã hội hóa vắc-xin. Ảnh: Vĩnh Sang

Bệnh cúm gia cầm có tốc độ lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội. Bên cạnh áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà, quan trọng nhất là công tác tiêm phòng vắc-xin nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh cho vật nuôi.

Trong điều kiện hiện nay, do môi trường ô nhiễm nặng, thời tiết khí hậu phức tạp nên người chăn nuôi cần xác định phải chủ động tiêm phòng để phòng bệnh. Việc tiêm phòng cúm gia cầm  cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Khi sử dụng vắc-xin phải đảm bảo việc bảo quản, liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi tiêm phòng xong cần cho gia cầm ăn uống tốt để nâng cao sức đề kháng,  hiệu giá kháng thể, tạo miễn dịch tốt cho con vật.

Trước đây, Đồng Nai chỉ hỗ trợ vắc-xin miễn phí đối với bệnh cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 5.000 con. Mỗi năm 2 - 4 đợt còn lại, người nuôi tự bỏ chi phí tiêm phòng. Giá mỗi liều vắc xin chỉ 280 đồng nên số tiền mua vắc- xin phòng bệnh không đáng kể. Tuy nhiên, khi thực hiện xã hội hóa, các hộ chăn nuôi sẽ tự chủ việc mua và tiêm vắc-xin cho gia cầm.

Huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vừa được Cục Thú Y công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm vào cuối tháng 2 vừa qua. Đây cũng là huyện tiên phong trong việc thực hiện xã hội hóa vắc-xin cúm gia cầm theo chỉ đạo của tỉnh vào đầu năm nay.

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện vẫn được đảm bảo. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi rất ủng hộ việc xã hội hóa vắc-xin. Trạm Chăn nuôi – thú y sẽ giám sát công tác tiêm phòng và cấp giấy chứng nhận cho các trại chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Để chủ động công tác phòng chống dịch bệnh động vật và thực hiện tốt chương trình xã hội hóa vắc-xin phòng cúm gia cầm và Newcastle, ngành nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, tập trung tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi.

Qua đó góp phần giữ vững vùng an toàn dịch đã được Cục Thú Y công nhận, góp phần đưa ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển ổn định và bền vững.

Vĩnh Sang