Google khi khởi nghiệp đã từng bị các công ty lớn từ chối đầu tư tiền, nhưng vẫn có một nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng bỏ mấy trăm ngàn USD cho dự án chỉ vì “nghe có vẻ hay”, Trình Tuấn – đồng sáng lập dự án Babyme chia sẻ.

Nhưng ở Việt Nam, theo Tuấn, các nhà đầu tư khi bỏ tiền đều nghĩ đến việc nhận lại được gì từ nguồn đầu tư đó. Dự án Babyme do Trình Tuấn sáng lập tương lai có thể tạo ra các bệnh án điện tử giúp cha mẹ thấy được lịch sử sức khỏe của con bất kỳ lúc nào, có thể giúp nhân viên y tế tra cứu qua mạng tình trạng bệnh trước đó của bệnh nhi.

Theo Trình Tuấn, sức khỏe là vấn đề gắn liền cả đời với con người, Babyme có thể sẽ nắm được được hồ sơ bệnh án của nhiều triệu người Việt… tức “nghe có vẻ hay” nhưng không ai chịu đầu tư tiền; đa số nhà đầu tư đều hỏi “làm để làm gì”, có ra tiền hay không. Chính vì Việt Nam thiếu những nhà đầu tư thiên thần nên các startup Việt đối mặt với cả các vấn đề ngắn hạn lẫn dài hạn, Trình Tuấn kết luận.

Thành công là thất bại mà không mất nhiệt huyết

Babyme là ứng dụng cài đặt trên iOS cho phép phụ huynh theo dõi các vấn đề sức khỏe của trẻ trong 1.000 ngày đầu tiên kể từ lúc mang thai. Khi nhập vào tuổi của trẻ, ứng dụng sẽ nhận biết trẻ đang trong bụng mẹ hay đã được sinh ra, từ đó cung cấp các kiến thức phù hợp ngày sinh.

PVí dụ, thời điểm đó trẻ cần đi chích ngừa hay chưa, chích loại nào; ngoài ra còn có ngân hàng các câu hỏi thắc mắc trong giai đoạn đó để phụ huynh tham khảo hoặc trả lời tư vấn cho những phụ huynh khác. Theo Trình Tuấn, Babyme hình thành từ ý tưởng vốn đã đạt giải nhất cuộc thi Unicef Hackathon năm 2013. Theo Tuấn, với lượng dữ liệu về trẻ em mà người dùng nhập vào, Babyme có thể ứng dụng nhiều để cải thiện hệ thống y tế hiện nay. Tuy vậy, đến nay ngoài khoản đầu tư nhỏ đầu tiên từ Mỹ, Trình Tuấn vẫn chưa tìm được nhà đầu tư khác bỏ tiền vào dự án đang có 17 ngàn người dùng này.

Trước Babyme, Trình Tuấn đã khởi nghiệp kể từ khi còn học năm cuối Đại học Bách Khoa TP.HCM. Thời điểm đó, sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi Robocon khu vực châu Á Thái Bình Dương ở Malaysia, Tuấn đã bắt tay viết kế hoạch kinh doanh về một hệ thống học tiếng Anh trực tuyến với mong ước sẽ được các nhà đầu tư rót vốn. Thời điểm đó, theo Trình Tuấn, anh vẫn nghĩ “khởi nghiệp” nghĩa là có một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo, sau đó nhà đầu tư sẽ rót vốn để thực hiện ý tưởng, nhưng sau vài tháng miệt mài viết gần xong rồi bị bệnh phải chữa trị thì Tuấn đã bỏ dở kế hoạch. Anh nói đó là “thời sinh viên ngây thơ”.

Năm 2014 Tuấn vào làm cho một công ty do những đàn anh ở trường Bách Khoa làm chủ, tham gia viết phần mềm ứng dụng. Nhưng sau đó máu khởi nghiệp vẫn còn nung nấu, Tuấn bỏ việc và bắt đầu mở trang web bán đồ chơi trẻ em, với những món đồ chơi được chọn lựa kỹ càng và mang tính giáo dục cao.

Tuy vậy, dự án đi vào hoạt động chưa lâu thì biến cố ập đến. Một người tham gia dự án đã rút vốn, cộng với việc người vợ mới cưới của Tuấn đột ngột ra đi để lại đứa con thơ còn trong tuổi bú mẹ khiến việc kinh doanh phải hoạt động cầm chừng. Giai đoạn đó, Tuấn không đưa con gái cho ông bà chăm sóc mà tự mình nuôi con, đi tìm nguồn sữa mẹ cho con, lúc đó cũng là lúc anh sáng lập dự án Nuôi con bằng sữa mẹ - một dự án kêu gọi nuôi con bằng sữa mẹ và kết nối những người cho sữa mẹ với những bà mẹ thiếu sữa. Từ dự án cộng đồng này, Trình Tuấn nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh cần được cung cấp các kiến thức nuôi con nhưng vẫn không có nguồn nào cho các lời khuyên thống nhất, đó là lý do Babyme ra đời.

Hiện nhóm thực hiện dự án Babyme chưa tới chục người đang được “tạm trú” tại văn phòng CyberAgent Ventures – một quỹ đầu tư Nhật Bản chuyên rót vốn vào các dự án công nghệ tại Việt Nam.

Chỉ chọn việc khó

Trình Tuấn nói anh hay chọn các việc khó để làm. Ngay từ thời chọn học đại học, trong khi bạn bè đều chọn các trường đại học ở Hà Nội hay Vinh (Nghệ An, quê hương của Tuấn) thì Tuấn lại khăn gói vào Sài Gòn chọn thi Đại học Bách Khoa TP.HCM. Lý do vì cậu học sinh năm đó rất yêu thích cuộc thi robocon và muốn mình cũng nằm trong đội dự thi cuộc thi rô bốt này. Từ khi học phổ thông, Tuấn đã bỏ học ngồi xem phim tài liệu khoa học, bỏ học mang rô bốt tự làm ra Hà Nội đi thi (nhưng rớt!).

Nói về chức vô địch robocon khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2006, Trình Tuấn cho rằng điều anh học được không phải từ chức vô địch mà là từ quá trình dự thi. Trải qua nhiều năm với nhiều vòng thi khác nhau, kinh qua 3 đội robocon khác nhau khiến Tuấn có được độ “lỳ”, sự bản lĩnh và kiên nhẫn khi làm việc. Những thách thức, từ khó khăn này đến khó khăn khác khiến Tuấn càng hứng thú trong các việc mình làm.

Ra trường, trong khi mọi người chọn vào làm thuê ở các công ty để có cuộc sống ổn định thì Tuấn chọn khởi nghiệp, một con đường chông gai hơn. Thậm chí, khi vợ mất, ông bố trẻ vẫn chọn tự mình nuôi con, vừa tìm sữa mẹ cho con vừa kiếm tiền nuôi sống hai người. Thời điểm đó, Tuấn chỉ có hai bộ đồ thay đổi qua lại, buôn bán đồ chơi lai rai lấy tiền sống qua ngày, mua đồ cho con thì “cà thẻ”, “không biết giai đoạn đó làm sao sống qua ngày được” – Trình Tuấn chi sẻ.

Thậm chí, đến ngày nay, Trình Tuấn có thể mang “bán” Babyme vào một công ty để có thu nhập ổn định hàng tháng nhưng anh vẫn không làm điều đó. “Tôi thích làm những việc lớn, những việc như vậy sẽ đo được giá trị của mình”, Trình Tuấn khẳng định.