"Tôi đã lệnh cho Ngoại trưởng lập tức tuyên bố không chào đón 10 vị đại sứ này. Phải giải quyết ngay", ông Erdogan tuyên bố như vậy sau khi các vị đại sứ đồng loạt kêu gọi Ankara trả tự do cho Osman Kavala - nhà hoạt động 64 tuổi bị cáo buộc dính líu đảo chính.

Các đại sứ bị trục xuất đến từ Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển.

{keywords}
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AP

Theo báo Sydney Morning Herald, có tới 7 đại sứ trong số trên đại diện cho các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh quân sự NATO. Vì vậy, nếu lệnh trục xuất được thực hiện thì nó sẽ tạo ra một sự rạn nứt nghiêm trọng chưa từng có giữa nước này với phương Tây trong 19 năm cầm quyền của Tổng thống Erdogan.

Osman Kavala ngồi tù đã 4 năm, bị cáo buộc rót tiền cho các cuộc biểu tình ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013 và tham gia âm mưu đảo chính bất thành năm 2016. Nhật vật này hiện vẫn đang bị giam giữ trong khi phiên xử mới nhất nhằm vào ông đang diễn ra. Kavana phủ nhận mọi cáo buộc.

Trong tuyên bố chung ngày 18/10, đại sứ của 10 nước nêu trên kêu gọi Ankara "trả tự do khẩn cấp" cho Kavana. Sau đó, họ đã bị Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập để phản đối.

{keywords}
Osman Kavala. Ảnh: AP

"Các ông nghĩ mình có quyền dạy một bài học như vậy cho Thổ Nhì Kỳ sao? Các ông nghĩ mình là ai?", Tổng thống Erdogan lên tiếng đầy tức giận.

"Tôi đã ra lệnh cho Ngoại trưởng và nói điều cần phải làm: 10 đại sứ này phải được tuyên bố là 'những người không được hoan nghênh'. Họ sẽ bị trục xuất ngay lập tức" - ông Erdogan nói thêm. "Họ sẽ biết và hiểu rõ Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến ngày họ không còn biết và hiểu về Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ phải rời đi".

Các đại sứ quán của Mỹ và Pháp chưa có phản hồi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bộ này đã nắm được thông tin và đang chờ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ làm rõ vấn đề.

Trước đó, Tổng thống Erdogan thông báo ông có kế hoạch gặp gỡ người đồng cấp Mỹ tại hội nghị G20 ở Rome vào tuần tới.

Một nguồn tin ngoại giao nhận định, các bên sẽ tìm cách giảm leo thang vì Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rất rõ lập trường của mình và một động thái như vậy trước thềm hội nghị G20 và hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào cuối tháng này có nguy cơ dẫn tới thất bại ngoại giao.

"Không hề có hướng dẫn nào gửi tới các đại sứ quán", nguồn tin này tiết lộ và nhấn mạnh thêm rằng có thể quyết định sẽ được đưa ra tại cuộc họp của Nội các Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 25/10.

Na Uy cho biết đại sứ quán nước này chưa nhận được thông tin gì từ phía nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.

"Đại sứ của chúng tôi không làm gì để bị trục xuất", phát ngôn viên trưởng của Bộ Ngoại giao Na Uy Trude Maaseide tuyên bố, đồng thời khẳng định phía Ankara đã biết rõ quan điểm này. "Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ và pháp quyền mà nước này đã cam kết theo Công ước Nhân quyền Châu Âu", ông Maaseide nói. 

Các chuyên gia phân tích nhận định, động thái táo bạo của ông Erdogan có thể chỉ để thể hiện sức mạnh, đặc biệt đối với chính trị trong nước. Trong trường hợp ông hành động thật sự như tuyên bố vừa đưa ra, Thổ Nhĩ kỳ sẽ phải hứng hịu những hậu quả không nhỏ trong bối cảnh kinh tế nước này đang chật vật giải quyết khó khăn, vì nhiều quốc gia trong danh sách 10 nước nêu trên đang là đối tác thương mại lớn nhất của Ankara.   

Thanh Hảo

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố 'không hoan nghênh' đại sứ 10 nước

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố 'không hoan nghênh' đại sứ 10 nước

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 23/10 đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao tuyên bố các đại sứ của 10 nước, trong đó có Mỹ, Đức và Pháp, sẽ 'không được hoan nghênh' ở nước này.