Kế hoạch phát triển ngành hàng sen đến năm 2025

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo khoa học Chế biến sâu - giải pháp phát triển giá trị cây sen nhằm lắng nghe các chuyên gia trong và ngoài tỉnh phân tích, chia sẻ góc nhìn về giá trị cây sen ở các lĩnh vực trang trí, du lịch, thực phẩm, dược phẩm… Các doanh nghiệp chế biến tại Đồng Tháp cũng có tham luận, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để phát triển ngành hàng trong thời gian tới.

Từ thế mạnh ngành hàng sen, thời gian qua, Đồng Tháp rất chú trọng công tác thông tin, phát triển nhận thức xã hội về thị trường tiêu thụ, sản phẩm OCOP từ sen, từ đó khuyến khích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Một vài sản phẩm ngành hàng sen Đồng Tháp

Mục tiêu tỉnh hướng đến, năm 2025 vùng sản xuất nguyên liệu sen sẽ mở rộng với diện tích khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn; có thêm 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen; nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, tỉnh đã ra kế hoạch phát triển ngành hàng sen đến năm 2025, theo đó ngành hàng sen của tỉnh hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm và bền vững; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến một cách đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu ổn định, tạo ra sản phẩm đủ số lượng, chất lượng và với giá cạnh tranh; nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen.

Qua đó, phát triển ngành hàng sen được ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen; tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100 ha vùng trồng tại huyện Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất. Mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm; các mô hình được cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ được tập trung thực hiện từ nay đến năm 2025.

Phát triển cây sen và sản phẩm tử sen theo hướng sạch, an toàn

Việc sản xuất sen ở Tháp Mười hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà phát triển, đa dạng các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, thuốc, mỹ phẩm.

Thời gian qua, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy. Từ đó nâng cao giá trị của cây sen, từ năm 2019 đến nay huyện Tháp Mười có 13 sản phẩm từ sen đạt hạng OCOP từ 3 đến 4 sao.

Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam năm 2021 -2022; trong đó, có rượu Hồng Sen Tửu của huyện Tháp Mười được lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Chí Công - chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp, một trong những thách thức của ngành hàng sen hiện nay là có những sản phẩm thành công nhưng chưa có sự đột phá rõ ràng trong toàn chuỗi ngành hàng, nên từ đó giá bán các sản phẩm chế biến từ sen còn ở mức khiêm tốn, thậm chí bị so sánh về giá bán trên thị trường, làm mất đi nhiều cơ hội.

Do đó, ông Công nhấn mạnh để có những sản phẩm tốt, chất lượng cao cần có vùng nguyên liệu đạt chuẩn và ổn định về sản lượng, tránh tình trạng ùn ứ hoặc khan hiếm nguyên liệu cục bộ.

Là người có nhiều gắn bó với Đồng Tháp, tại buổi Hội thảo khoa học Chế biến sâu - giải pháp phát triển giá trị cây sen, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng, "Đồng Tháp sẽ viết tiếp câu chuyện về sen, cần có kiến thức sâu và rộng, thay đổi tư duy, thoát ra khỏi việc ăn uống, kiếm tiền… để trả lời câu hỏi lớn hơn, rằng sen sẽ mang lại những giá trị gì cho vùng đất và con người? Chúng ta nên nghĩ khác hơn, rộng hơn để mang lại giá trị cao hơn".

Tân Hồng