Đồng Tháp là tỉnh được Trung ương chọn là địa phương thí điểm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh nhận thấy đây là thời cơ lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện.
Thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"
Theo số liệu thống kê, GDP nông nghiệp năm 2012 đạt 14.211 tỉ đồng, chiếm 36% tổng GDP của địa phương. Giá trị xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh năm 2011 đạt 128,7 triệu USD (so với năm 2005 là 76,6 triệu USD) với tốc độ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2005 - 2011 đạt 7,69%/năm. Thủy sản là ngành có tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất.
Đến năm 2011, giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã tăng rất nhanh lên đến 475,1 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2005 - 2011 là 34,49%/năm, cao hơn các tỉnh trong khu vực như Kiên Giang, An Giang và chỉ đứng sau Cần Thơ (với giá trị xuất khẩu 495,7 triệu USD). Trong giai đoạn 2006 - 2010, tăng trưởng kinh tế Đồng Tháp đạt mức khá so với các tỉnh khác trong vùng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có chuyển dịch tích cực so với nhiều địa phương ở ĐBSCL. Tăng trưởng GDP đạt mức 8,5%/năm giai đoạn 2001-2005, 11,5%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và 5,9%/năm giai đoạn 2011 - 2013.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 - 2012, tỉnh đã ban hành và thực hiện hàng loạt các chủ trương, chính sách khuyến khích nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư. Theo đánh giá PCI năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Đồng Tháp cao nhất ở ĐBSCL, đây là lợi thế hết sức quan trọng của một tỉnh không có sự khác biệt nhiều về điều kiện tự nhiên và kinh tế với các tỉnh khác trong vùng, thể hiện nỗ lực lớn để Đồng Tháp thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa chuyển dịch theo hướng gắn kết với thị trường tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chưa có nhiều chuỗi liên kết gắn với xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đồng Tháp còn yếu; tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn cao.
Do đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Đề án xuất phát từ yêu cầu khách quan và nội tại của ngành nông nghiệp, đề ra các nội dung tái cơ cấu về mô hình tăng trưởng nông nghiệp, song song với tái cấu trúc sản xuất, tổ chức chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường, dựa trên quan hệ cung cầu, sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường và kinh nghiệm thực tiễn.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hệ thống chính trị cả tỉnh đã nhận thức rõ cơ hội, thách thức của ngành nông nghiệp, nên cần phải cơ cấu lại ngành để làm căn cứ, định hướng lớn hơn nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng và cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo định hướng mới đến 2030.
Từ đó, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước trình lên Chính phủ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là Đề án được xây dựng khoa học, cẩn trọng và chỉ đạo triển khai thực hiện ngay, từ việc thành lập ban chỉ đạo, giám sát thực hiện, ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuyên truyền vận động và bố trí kinh phí riêng thực hiện các nhiệm vụ. Với mục tiêu gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị phù hợp nhu cầu của thị trường, theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng và sức cạnh tranh.
Đặc biệt, Đồng Tháp xác định con người là cốt lõi của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung vào việc thay đổi nhận thức, đổi mới thông qua vận động, tuyên truyền, chia sẻ. Nhờ đó, thành công nổi bật của tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp là việc thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp".
Thành công điển hình trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Nhìn lại 10 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp là địa phương thành công điển hình trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những thay đổi về nông nghiệp, nông thôn của Đồng Tháp mang lại giá trị cao, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng gắn kết với thị trưởng tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác liên kết gắn với xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn và nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản Đồng Tháp.
Hướng đến giá trị sản xuất 1 ha đất trồng trọt đạt 183 triệu đồng, giá trị sản xuất 1 ha đất nuôi trồng thuỷ sản đạt 3,2 tỷ đồng... cùng với thay đổi tư duy - đây là những mục tiêu cơ bản của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp hướng đến mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển bền vững. Đồng Tháp sẽ tập trung theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh như: lúa gạo, hoa kiểng, cá tra, xoài, sen.
Mục tiêu đến năm 2025 tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản bình quân 3,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động giảm xuống còn dưới 40% trong tổng số lao động xã hội; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý, tăng tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 20%. Đến năm 2030 khu vực nông, lâm, thuỷ sản từ 3,5 - 3,8%/năm giai đoạn 2026 – 2030; giá trị sản xuất 1 ha đất trồng trọt đạt 183 triệu đồng, giá trị sản xuất 1 ha đất nuôi trồng thuỷ sản đạt 3,2 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ phát huy lợi thế, tiềm năng, tận dụng cơ hội để nâng cao thu nhập, đời sống của người dân khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái."Đồng Tháp cũng đã đi đầu trong việc sử dụng máy bay chẳng hạn, bơm nước tưới tiêu hay tưới vườn cây ăn trái bằng công nghệ thông minh, kể cả máy cấy, máy gặt, sấy lúa đảm bảo cơ giới hóa. Đây là vấn đề Đồng Tháp rất mừng để hướng tới xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn, phát huy được nền nông nghiệp tốt phát triển nhanh và bền vững" - ông Nghĩa chia sẻ.
Tân Hồng