Triển vọng tích cực

Tại một hội nghị ngày 3/10, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Chứng khoán VinaCapital nhìn nhận thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang ở mức rẻ nhất trong 10 năm.

Theo bà Hoài Thu, trong 10 năm qua, TTCK Việt Nam chỉ trải qua có 3 lần định giá hấp dẫn như hiện nay, kể cả tính theo chỉ số giá/thu nhập cổ phiếu (P/E) hay giá/giá trị sổ sách (P/B).

So với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, định giá TTCK Việt Nam cũng ở mức hấp dẫn hơn. Kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong nửa sau năm 2023 tốt hơn so với nửa đầu năm 2023 cũng như so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, có nhiều đánh giá tích cực về trung và dài hạn đối với chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng tương đối cao. 

Mặc dù thị trường cổ phiếu vẫn giảm gần đây nhưng Chứng khoán MBS cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể cán mốc 1.300 - 1.350 điểm trong năm 2024.

Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào kênh chứng khoán. Thị trường tiềm tàng nhiều cơ hội khi bức tranh lợi nhuận trong quý III dự kiến sẽ tích cực hơn cũng như mặt bằng định giá thị trường đã về vùng hấp dẫn hơn. Lãi suất huy động giảm mạnh giúp TTCK trở nên hấp dẫn hơn.

Quỹ Pyn Elite Fund thậm chí dự báo, chỉ số VN-Index có thể lên ngưỡng 2.500 điểm vào năm 2025-2026. Theo đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, GDP có thể đạt hơn 5% vào năm 2023.

Triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực nhờ quy mô dân số lớn, 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa nhanh, trình độ giáo dục ngày càng được nâng cao, chính sách thương mại chủ động, linh hoạt cùng nền kinh tế ổn định lâu dài.

Pyn Elite cũng đánh giá cao việc Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện sau sự kiện Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội.

chungkhoanhh34 ok.jpg
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán còn yếu dù triển vọng tích cực. (Ảnh: HH)

Với kinh nghiệm 20 năm hoạt động trên TTCK Việt Nam, ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, cho rằng việc chứng khoán điều chỉnh thời gian gần đây là bình thường vì đã tăng mạnh. Về dài hạn, thị trường sẽ đi lên theo chu kỳ kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới chứng khoán Việt Nam cũng rất lớn. Trong hội nghị nhà đầu tư năm 2023, VinaCapital ghi nhận hơn 150 nhà đầu tư quốc tế. Đây là số lượng nhà đầu tư tham dự đông nhất kể từ năm 2005.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng kinh tế Việt Nam vững vàng khi nhu cầu toàn cầu suy yếu. ADB dự báo tăng trưởng cả năm 2023 của Việt ở mức 5,8% và 6% trong năm 2024.

Trong khi đó, World Bank dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023; 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025.

Dòng tiền còn yếu

Mặc dù đa số các đánh giá cho rằng, đây là cơ hội tốt đối với TTCK nhưng dòng tiền vào thị trường cổ phiếu gần đây suy giảm. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn khá thận trọng.

Trong phiên giao dịch 5/10 khi chỉ số VN-Index giảm gần 15 điểm và về gần vùng 1.110 điểm, thanh khoản trên thị trường vẫn khá thấp, chỉ đạt 13.000 tỷ đồng trên Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE). 

Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng bất ngờ chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng (5,8% so với 5,73%). Dòng tiền nhàn rỗi vẫn vào ngân hàng nhiều cho dù lãi suất huy động giảm liên tục.

Khối ngoại cũng không mấy mặn mà với chứng khoán Việt Nam. Trong phiên 5/10, khối ngoại mạnh tay bán ròng hơn 700 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 9.000 tỷ đồng trên HOSE. Trong khi đó, mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên HNX.

Một số quỹ ETF bị rút vốn như trường hợp Fubon ETF, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF. 

Trên thực tế, hoạt động rút tiền khỏi nhiều thị trường là xu thế dòng vốn toàn cầu trong thời gian gần đây khi USD mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác và rủi ro địa chính trị gia tăng. Trong 1-2 năm qua, tỷ suất sinh lợi đã không còn là mục tiêu số một của nhiều quỹ đầu tư, thay vào đó là mức độ an toàn.

Trong bối cảnh USD liên tục tăng giá và lãi suất đồng USD ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ, việc dòng vốn ngoại trên toàn cầu chảy về thị trường Mỹ là điều khó tránh khỏi. Áp lực rút vốn ở các thị trường cận biên như chứng khoán Việt Nam là có. 

Hơn thế, ngay ở thị trường Mỹ, dòng vốn cũng eo hẹp. Các hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra thưa thớt, kể cả đối với những lĩnh vực tiềm năng như công nghệ và xe điện.

Gần đây, tập đoàn công nghệ VNG của Việt Nam đã hoãn IPO tại Mỹ sau khi gặp cả trăm nhà đầu tư nhưng hầu hết họ vẫn đứng chờ quan sát.

Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt, đã lên mức 107 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Tỷ giá USD/VND đã tăng lên trên 24.550 đồng/USD và dần tiến đến mức lịch sử thiết lập vào cuối tháng 10 năm ngoái.

Tỷ giá tăng khiến các khoản đầu tư bằng đồng VND nếu quy đổi thành USD trở nên bất lợi, có thể thua lỗ. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ đầu tư.