Hàn Quốc cho tới nay vẫn chưa khẳng định sẽ phát hành đồng tiền số trung ương (CBDC) dù đã chuyển sang giai đoạn 2 thử nghiệm đồng Won kỹ thuật số. Với việc tân Tổng thống mới đắc cử có quan điểm thân thiện hơn với tiền điện tử, rất có thể đồng tiền này sẽ sớm có “danh phận” chính thức tại quốc gia này.
Sự kỳ vọng của giới trẻ và thị trường
Một thập kỷ vừa qua Hàn Quốc đã chứng kiến những bước tiến dài trong giao dịch kỹ thuật số. Tỉ lệ sử dụng tiền mặt đã giảm từ 66% năm 2010 xuống chỉ còn gần 34% trong năm 2020, cùng với các phương tiện thanh toán điện tử tăng 33% trong bối cảnh Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Những con số này nhiều khả năng còn tăng thời gian tới, khi 77% người dân xứ Kim Chi được khảo sát, đều nói rằng họ thích tiến hành giao dịch không dùng tiền mặt.
Các tài sản ảo như Bitcoin cũng nhận được sự chú ý của công chúng và trở nên phổ biến, đặc biệt đối với thế hệ trẻ tại đây. Theo ước tính, Hàn Quốc chiếm tới 10% giao dịch tiền mã hoá (crypto) toàn cầu và là một thị trường sôi động cho các loại tiền điện tử. Thậm chí, Bitcoin tại đây còn có thể có giá cao hơn so với các thị trường khác.
Những người trẻ tuổi tại Hàn Quốc, đối mặt với giá bất động sản tăng cao trong khi thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt dẫn đến mức lương không đủ sống, đã tìm tới giao dịch tiền mã hoá như một cách làm giàu nhanh chóng. Theo Yoon Doo-hyeon, thành viên Uỷ ban các vấn đề chính trị của Quốc hội Hàn Quốc, tới tháng 8/2021, khoảng 60% tài khoản giao dịch crypto mới mở thuộc về nhóm dân số từ 20 - 30 tuổi.
Trong khi đó, CBDC đã trở thành xu hướng của hầu hết các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn. Khảo sát của UBS cho thấy, gần 40% các quản lý cấp cao ngân hàng tin tưởng việc CBDC ra mắt trong vòng 3 năm tới và ít nhất 1 ngân hàng trung ương trong nhóm G7 (nhóm các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới) sẽ phát hành bán lẻ CBDC trong 3-5 năm.
Tháng 8/2021, ngân hàng Hàn Quốc (BOK) bắt đầu chương trình thí điểm đánh giá tính khả dụng của CBDC nhằm giành lợi thế trong cuộc đua đón đầu con sóng chuyển dịch số.
“Mỹ và Nhật Bản trong tương lai gần chưa có kế hoạch phát hành đồng CBDC, nhưng lập trường của họ đối với vấn đề này đã thay đổi gần đây khi đẩy mạnh nghiên cứu lĩnh vực mới nổi này. Trước sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực thanh toán tài chính trong và ngoài nước, BOK tiến hành thí điểm CBDC để đánh giá các vấn đề kỹ thuật và pháp lý của hệ thống này”, tờ Korea Times dẫn lời 1 quan chức BOK cho biết.
Đồng Won kỹ thuật số được thử nghiệm trên sổ cái phi tập trung Klaytn, nền tảng phát triển bởi nhóm blockchain Ground X của gã khổng lồ công nghệ Kakao. Tháng 1/2022, BOK thông báo đã thử nghiệm thành công giai đoạn 1 của chương trình thí điểm, gồm việc sản xuất, phát hành và phân phối trong môi trường giả lập. Dựa trên kết quả có được, ngân hàng sẽ nghiên cứu triển khai các tính năng khác của đồng CBDC như thanh toán ngoại tuyến và bổ sung các công nghệ bảo vệ thông tin cá nhân người dùng trong giai đoạn 2 dự kiến kéo dài tới tháng 6/2022.
Song song với đó, Hàn Quốc cũng thành lập nhóm nghiên cứu các vấn đề pháp lý về CBDC. Việc đồng tiền số của ngân hàng trung ương không phải là một dạng tài sản ảo sẽ khiến CBDC không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Vốn thị trường và Luật Ngân hàng Hàn Quốc, do đó hành lang pháp lý cần được điều chỉnh trước khi đồng kỹ thuật số này có thể ra mắt.
"Tân quan, tân chính sách”
Sự phát triển thời gian tới của ngành CNTT và đồng CBDC Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào chính sách của tân Tổng thống nước này, ông Yoon Suk-yeol, lãnh đạo đảng Quyền lực nhân dân, người vừa đắc cử với gần 49% phiếu bầu.
Ông Yoon, chính khách 61 tuổi, cựu công tố viên từng đưa 2 Tổng thống Hàn Quốc tiền nhiệm vào tù, tuyên bố sẽ tăng hạn mức phải đóng thuế thu nhập từ Bitcoin và các đồng tiền mã hoá khác, từ 2.000 USD lên mức 40.000 USD, đưa nước này trở thành quốc gia ưu đãi thuế nhất thế giới với tiền điện tử.
Không chỉ vậy, nhà lãnh đạo mới của Seoul cũng cho biết sẽ xem xét lại lệnh cấm phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) gây tranh cãi năm 2017. Với ICO, doanh nghiệp có thể “tự đúc” tiền ảo và bán ra để huy động vốn, dẫn đến tình trạng lừa đảo khi một số chủ đầu tư ôm tiền biến mất sau khi hoàn tất phát hành đồng tiền điện tử.
Chính sách của cựu công tố viên này được đánh giá là bước thay đổi so với chính phủ trước đó, vốn có quan điểm thắt chặt quy định đối với tiền mã hoá. Năm 2017, khi thị trường tiền ảo bùng nổ, Hàn Quốc trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới về giao dịch tiền mã hoá, dẫn đến việc chính phủ nước này ban hành quy định làm giảm hơn 50% giao dịch crypto tại đây.
Tổng thống mới của Hàn Quốc còn cho thấy là một người rất biết bắt trend, khi cho ra mắt bộ sưu tập NFT, gồm các hình ảnh và video của bản thân, để tranh thủ số phiếu ủng hộ từ những cử tri lĩnh vực công nghệ.
Với sự ủng hộ của người đứng đầu nội các chính phủ mới, được thúc đẩy bởi nhu cầu thực tế thị trường, ngày ra mắt chính thức của đồng Won có lẽ sẽ không còn xa.
Vinh Ngô
Vì sao Hàn Quốc ân xá cho người thừa kế Samsung?
'Thái tử' Samsung, Lee Jae Yong, vừa được Tổng thống Hàn Quốc ân xá vào ngày 12/8, giúp ông tự do hơn khi điều hành hãng smartphone và bán dẫn hàng đầu thế giới.