Để đánh giá hậu quả của việc huỷ thầu hoặc không ký hợp đồng với Công ty TNHH Ống gang dẻo Xinxing, CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã thuê đơn vị tư vấn pháp luật.

{keywords}

Đường ống nước sông Đà giai đoạn 1 thường xuyên gặp sự cố. Ảnh: Dân trí

Tại Nghị quyết của Hội đồng quản trị CTCP Nước sạch Vinaconex mới công bố cho biết, Hội đồng quản trị đã thảo luận và thông qua một số nội dung trong đó bao gồm nội dung về ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và UBND Hà Nội liên quan đến gói thầu CCOG 09, gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện, gói thầu quan trọng có ảnh hưởng và quyết định lớn đến chất lượng và tiến độ dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 2.

Theo đó, Hội đồng quản trị yêu cầu Ban điều hành thực hiện đúng các nội dung yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và UBND Hà Nội.

Hội đồng quản trị giao Tổng giám đốc lựa chọn, quyết định thuê đơn vị Tư vấn pháp lý là công ty luật, văn phòng luật để hỗ trợ đánh giá các hậu quả của việc huỷ thầu hoặc không ký kết hợp đồng với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Sau khi có ý kiến của luật sư, Tổng giám đốc sẽ trình Hội đồng quản trị công ty xem xét, quyết định.

Đồng thời, Nghị quyết cũng cho biết, Hội đồng quản trị yêu cầu Tổng giám đốc có giải trình rõ về việc không ký hợp đồng với nhà thầu Xinxing trong khoảng thời gian từ 1/4/2016 (thời gian chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải đến hoàn thiện ký hợp đồng) đến ngày 7/4/2016 (thời gian có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ).

Yêu cầu Ban điều hành lập tiến độ các công việc công ty phải thực hiện đến ngày 30/4/2016 theo yêu cầu của Thủ tưởng Chính phủ và báo cáo Hội đồng quản trị trước ngày 27/4/2016, tức ngày hôm nay.

Trước đó, sau thông tin nhà thầu Trung Quốc thắng thầu cung cấp ống gang dẻo dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội với giá thấp hơn 11,8% so với gói thầu được phê duyệt, nhiều ý kiến của các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về chất lượng ống nước không đảm bảo, và việc đấu thầu không minh bạch bởi mức giá quá thấp nêu trên.

Cũng thời điểm sau khi thông tin nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, một công ty Ấn Độ đã lên tiếng khiếu nại về kết quả mở thầu, cho rằng, họ bị loại khi bảo lãnh thầu cao hơn, cược thêm 10% giá trị hợp đồng và thêm 2 năm bảo hành đường ống, lâu hơn so với các đối tác dự thầu khác.

UBND Hà Nội sau đó đã có công văn hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Tại công văn này, UBND Hà Nội đánh giá, chủ đầu tư đã tổ chức thực hiện chọn thầu tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành. Tuy nhiên, trước khi quyết định lựa chọn nhà thầu trúng thầu, chủ đầu tư đã thiếu thận trọng, không thực hiện thăm dò, tham kiến cộng đồng dư luận.

Theo Bizlive