Trong khi tình hình chính trị ở Thái Lan đang diễn biến bất ổn thì một trong những chính sách nổi tiếng nhất của Chính phủ nước này cũng bị chết yểu.

{keywords}

Dự án “Mỗi học sinh một máy tính bảng” là một chính sách được khởi xướng vào năm 2012 của Chính phủ Thái Lan nhằm nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục và các vấn đề bất bình đẳng.

Về cơ bản, Chính phủ nước này cấp máy tính bảng cho học sinh lớp 1, với hi vọng việc kết nối Internet và làm việc trực tuyến cùng nhau sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục.

Chính sách này đã gây ra nhiều tranh cãi, từ vấn đề tham nhũng tới chất lượng máy kém.

Một cuộc kiểm tra cho thấy nhiều máy tính bảng trong số đó bị lỗi. Cơ quan Tổng kiểm toán Thái Lan (OAG) phát hiện khoảng 30% trong số 860.000 chiếc được phát cho học sinh bị hỏng hoặc cần sửa chữa.

Tuy nhiên, Bộ Công nghệ thông tin Thái Lan không đồng tình với kết luận này. Bộ trưởng Anudith Nakomthap nói rằng kết luận hơn 250.000 máy tính bảng bị lỗi là không chính xác. Ông khẳng định con số thực chỉ là 5.344 máy bị hỏng – chỉ chiếm 0,62% tổng số máy được cung cấp.

Ngoài ra, OAG khẳng định nhà cung cấp máy Trung Quốc đã ký thỏa thuận với một công ty bảo trì máy tại địa phương cam kết sẽ bảo trì và sữa chữa số máy này trong vòng 2 năm, tuy nhiên việc này đã không được thực hiện như cam kết. OAG cho biết một số chi nhánh của công ty bảo trì đã đóng cửa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Công nghệ truyền thông nói rằng đó không phải là vấn đề, đồng thời bác bỏ những cảnh báo về dự án này.

Hợp đồng của Chính phủ Thái Lan với nhà sản xuất Thâm Quyến đã thống nhất rằng nếu có bất cứ chiếc máy nào mất trên 5 ngày để sửa chữa thì nhà phân phối địa phương sẽ cho học sinh mượn một chiếc máy khác. Ngoài ra, ông cũng thừa nhận một số chi nhánh của công ty bảo trì máy đã đóng cửa, nhưng đảm bảo việc sửa chữa sẽ được chuyển giao cho những chi nhánh khác của công ty đang hoạt động bình thường.

Đến đầu năm 2014, dự án lại gặp một trục trặc khác: nhà sản xuất Thâm Quyến muốn hủy hợp đồng. Theo Thai Post, công ty này đã dừng việc kinh doanh ở Thái Lan sau khi từ chối trả khoản phí phạt 2,2 triệu baht (67.000 USD) mỗi ngày do không đảm bảo thời hạn giao máy.

Công ty đã cử đại diện của mình sang hủy hợp đồng với Chính phủ Thái Lan và Chính phủ đã tiến hành thu giữ tài sản của công ty, trị giá khoảng 3,5 triệu USD. Trong khi đó, công ty Jasmine Telecom System có trụ sở tại Thái Lan sẽ tiếp tục sản xuất máy cho dự án này.

Sau cuộc đảo chính ngày 22/5, chính quyền quân đội Thái Lan đã đưa ra một số quyết định làm thay đổi các chính sách của nước này, trong đó có dự án “Mỗi học sinh một máy tính bảng”.

Ủy ban Bảo vệ trật tự quốc gia NCPO đã quyết định hủy bỏ dự án sau khi xem xét. Đô đốc NCPO – ông Admiral Narong Pipattanasai phát biểu trong ngày đầu tiên làm việc với Bộ Giáo dục: “Chúng ta phải xem xem liệu học sinh có được hưởng lợi từ chương trình này hay không”. Ông cũng tuyên bố sẽ tái phân bổ ngân sách cho các dự án giáo dục khác, như dự án lớp học thông minh – một dự án đòi hỏi các phòng thí nghiệm trong trường học được trang bị đầy đủ thiết bị.

Một đại diện của chính quyền mới cho biết sẽ mời đại diện của tất cả các bên liên quan để giao nhiệm vụ thu thập thông tin và tìm hiểu thêm về dự án thay thế này. Ngoài ra, các thành viên sẽ thảo luận về những ưu nhược điểm của mỗi dự án để tìm ra một hướng đi tốt nhất cho học sinh.

“Đó không chỉ là vấn đề của các cơ quan liên quan, mà còn là mối quan tâm của giáo viên, phụ huynh và những đối tượng khác” – vị đại diện này nói.

Trong một cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao ngành giáo dục, ông Narong đã tuyên bố sẽ nhanh chóng tìm nguồn vốn để sữa chữa và xây dựng lại các trường học bị ảnh hưởng bởi trận động đất 6,3 độ rich-te ở Chiang Rai.

Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự đồng tình với dự án cho sinh viên vay tiền và dự án này đòi hỏi phải có nguồn ngân sách bổ sung để đáp ứng nhu cầu của nhiều sinh viên.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)