Trước đó, Đại diện chủ đầu tư dự án, ông Trần Sỹ Huân, Tổng giám đốc CTCP Kho cảng xăng dầu Hàng không Miền Nam giải trình, việc dự án phải dừng thi công do Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank) “đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng mà không có bất cứ cơ sở nào và cũng không xử lý theo nghiệp vụ của ngân hàng, nhưng lại đẩy doanh nghiệp rơi vào nợ xấu đã khiến dự án phải tạm dừng toàn bộ - khi đó đã thi công được 70% cầu cảng, vật tư thiết bị chuẩn bị xây dựng cho kho chứa 230.000 m3 đạt 80%”.

Ngân hàng từng "xuống nước" với chủ đầu tư

Trước thông tin này, PV VietNamNet đã làm việc với phía LPBank để tìm hiểu đa chiều sự việc.

Theo phản hồi từ LPBank, khoản vay của CTCP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam vay theo hợp đồng tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng ký ngày 14/4/2017, ngân hàng đã giải ngân 703,191 tỷ đồng, tương đường hơn 70% vốn vay theo hợp đồng, thời hạn vay 84 tháng. 

Tuy nhiên, khoản nợ của công ty sau đó đã được chuyển nợ quá hạn từ ngày 25/1/2021, nợ nhóm 5, tổng số tiền gốc, lãi, lãi chậm trả,… đến hết ngày 24/7/2023 là 973,878 tỷ đồng. 

Trong đó, số tiền nợ gốc 652,960 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là 220 tỷ đồng, lãi quá hạn 65,653 tỷ đồng, lãi chậm trả lãi là 34 tỷ đồng.

Ngoài khoản vay này, còn một hợp đồng tín dụng vay khác liên quan Dự án tổng kho xăng dầu Phú Xuân – Nhà Bè.

Cụ thể, ngày 21/11/2019 Công ty TNHH SX TM Hưng Phát (Công ty con của Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam, cũng do ông Trần Sỹ Huân làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ) ký hợp đồng tín dụng vay số tiền 298 tỷ đồng tại LPBank để thanh toán, hoàn vốn tiền mua vật tư, thiết bị phục vụ dự án.

Khoản vay này cũng đã bị quá hạn từ ngày 2/11/2020, tổng số tiền Hưng Phát còn nợ LPBank tính đến 24/7/2023 là 461,855 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là hơn 297 tỷ đồng).

Tại biên bản làm việc giữa doanh nghiệp và ngân hàng vào ngày 29/11/2022, LPBank đồng ý thu đủ nợ gốc và 100% lãi vay theo hợp đồng tín dụng đến thời điểm doanh nghiệp tất toán khoản vay, ngân hàng đồng ý miễn giảm lãi phạt gốc, lãi phạt theo hợp đồng tín dụng.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn không thể thực hiện trả nợ cho ngân hàng.

Hạng mục cầu cảng kho xăng dầu (công trình Bến cập tàu quy mô 30.000 DWT và bến xà lan 2.000 DWT) đang thi công dang dở (ảnh: TTXVN).

LPBank đã khởi kiện hai công ty này ra TAND huyện Nhà Bè, yêu cầu toà án giải quyết: buộc CTCP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam và Công ty Hưng Phát phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngay cho ngân hàng.

Trường hợp khách hàng không trả nợ hoặc chỉ trả một phần, LPBank yêu cầu được phát mãi các tài sản đang thế chấp để thu hồi nợ vay. 

Ngày 5/12/2022 TAND huyện Nhà Bè (TP.HCM) ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”, yêu cầu doanh nghiệp không cản trở, ngăn cản việc xem xét, thẩm định tài sản đang thế chấp là toàn bộ công trình xây dựng trên đất thuộc dự án. 

Tại các buổi làm việc giữa ngân hàng, doanh nghiệp và TAND huyện Nhà Bè, đại diện doanh nghiệp cũng không có mặt theo yêu cầu của Toà án. 

Được biết, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2023, LPBank đã gửi hàng chục công văn đến CTCP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam để yêu cầu công ty hoàn thiện tính pháp lý của dự án, như cung cấp các thủ tục cần thiết để xin Giấy phép xây dựng điều chỉnh, cung cấp báo cáo tài chính và các hồ sơ tài chính cho ngân hàng,… để LPBank có căn cứ để tiếp tục giải ngân.

Tại các buổi làm việc hai bên cũng đã đưa ra các phương án nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, sau tất cả hai bên đều không thể tìm được tiếng nói chung. 

Kể từ năm 2020 đến nay LPBank đã thực hiện 14 cuộc kiểm tra định kỳ dự án, thực trạng hiện tại công trình đang tạm ngừng thi công đối với tất cả các hạng mục. Tại mỗi cuộc kiểm tra đều có biên bản kiểm tra và có chữ ký của hai bên.

Dự án có nhiều sai phạm chưa được khắc phục

Theo thông tin từ nhiều phía, việc dự án bị dừng thi công không hoàn toàn do phía ngân hàng dừng giải ngân mà còn do doanh nghiệp không hoàn thiện các thủ tục pháp lý, vi phạm các quy định về xây dựng khiến các cơ quan chức năng thực hiện biện pháp đình chỉ thi công và xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể như, ngày 8/1/2018 UBND xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) ra quyết định đình chỉ thi công do doanh nghiệp vi phạm trật tự xây dựng, tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng số 168/GPXD ngày 14/9/2012 do Sở Xây dựng TP.HCM cấp.

Với vi phạm này, ngày 14/1/2018 Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với CTCP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam, buộc doanh nghiệp phá dỡ phần diện tích xây dựng sai nội dung giấy phép do Sở xây dựng đã cấp. 

Cụ thể, chủ đầu tư đã tăng diện tích móng bể 20.000m3 (bể số 1) đường kính từ 39,8m lên 46m; tăng diện tích móng bể 15.000m3 (bể số 2) đường kính từ 32,6m lên 36m; phát sinh móng bể đường kính 27,5m (bể số 3); xây dựng sai vị trí bể số 1, 2, 3 so với bản vẽ ban đầu.

Ngày 4/2/2018, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với CTCP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam, gồm phá dỡ phần diện tích xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng đã được chỉ ra trước đó.

Mới đây nhất, tại văn bản số 2983/TT-TTCĐ2 ngày 13/4/2023 gửi TAND huyện Nhà Bè, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định Dự án Kho xăng dầu hàng không Miền Nam đã được Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng tại địa phương rà soát, đánh giá đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng.

Hạng mục cầu cảng kho xăng dầu (công trình Bến cập tàu quy mô 30.000 DWT và bến xà lan 2.000 DWT) đã được Bộ GTVT thẩm định thiết kế vào ngày 10/12/2019 và Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT thẩm định thiết kế bản vẽ thi công ngày 9/1/2020 (trước thời điểm Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có hiệu lực thi hành) nên thuộc đối tượng phải có Giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014.

Phúc đáp công văn của TAND huyện Nhà Bè ngày 31/5/2023, UBND huyện Nhà Bè cho biết trong quá trình kiểm tra việc thực hiện quyết định cưỡng chế đối với công trình, UBND huyện Nhà Bè đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát để lập phương án phá dỡ phần công trình vi phạm. 

Tuy nhiên, CTCP Kho cảng xăng dầu Miền Nam vắng mặt không hợp tác. Do đó, UBND huyện Nhà Bè chưa tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình sai so với giấy phép xây dựng được cấp.

Tại biên bản kiểm tra định kỳ gần nhất, ngày 23/11/2021, cho thấy dự án đang được thi công phần xây dựng và các hạng mục hàng rào, bồn bể, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên từ tháng 7/2021 đến nay toàn bộ công trình tạm ngưng thi công. Chủ đầu tư đã nghiệm thu quyết toán tổng cộng 94,247 tỷ đồng. 

Phía chủ đầu tư cho rằng do LPBank ngưng giải ngân từ tháng 6/2020 đến nay nên công ty phải tự huy động vốn tự có để tiếp tục thi công hạng mục cầu cảng.

Đồng thời, tình hình dịch bệnh khiến công ty Hưng Phát gặp khó khăn trong việc bán lẻ xăng dầu, giá dầu lao dốc và biến động khó lường khiến công ty không thể nhập xăng dầu để bán, dẫn đến thiếu hụt nguồn thu để trả nợ.

Dự án tạm ngừng thi công từ tháng 7/2021, nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, phải tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định cách ly/tạm ngừng hoạt động của thành phố.

Trong thời gian đó, chủ đầu tư cam kết tự huy động mọi nguồn vốn tự có để thanh toán gốc và lãi cho ngân hàng và tiếp tục thi công dự án.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết đang kêu gọi các đối tác đầu tư lớn như các hãng bay lớn tại Việt Nam và các nhà đầu tư cá nhân khác góp vốn đầu tư để dự án sớm đưa vào khai thác.

Đối với khoản nợ vay của Công ty Hưng Phát đang nợ quá hạn, CTCP Kho cảng xăng dầu Hàng không Miền Nam cam kết phối hợp với LPBank để thanh lý các tài sản thế chấp, trả hết nợ quá hạn, bao gồm khu đất 6,5ha thuộc quy hoạch khu nhà ở thương mại phía đông đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; QSD đất, công trình xây dựng trên đất và các tài sản, quyền và lợi ích tư dự án số 1 “Khu nuôi tôm trên cát” tại Quảng Bình, thuộc sở hữu của CTCP Đức Thắng.

Cũng tại biên bản này, LPBank yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án để dự án sớm đi vào hoạt động, đảm bảo nguồn trả nợ vay; thu xếp nguồn trả nợ gốc và lãi đến hạn và quá hạn, đồng thời thu xếp nguồn vốn sớm để đưa dự án đi vào hoạt động; phối hợp với LPBank trong việc thanh lý các tài sản thế chấp để trả nợ khoản vay cho LPBank;…

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết không đồng ý ký biên bản với lý do… ngân hàng đã khởi kiện.