Thỏa thuận hạt nhân giữa 5 cường quốc với Iran, Hoa Đông có thể trở thành điểm bùng nổ trong 2014, đấu đá nội bộ ở Mỹ sẽ là những vấn đề thống lĩnh chính trường thế giới trong năm 2014.
Thế giới và Iran đàm phán về thỏa thuận toàn diện
Thỏa thuận lâm thời giữa P5+1 gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức với Iran về chương trình hạt nhân của Iran là một trong những câu chuyện về chính sách đáng chú ý trong năm 2013. Thỏa thuận đạt được sau khi ông Hassan Rouhani đắc cử Tổng thống Iran vào tháng 6 và dẫn tới sự tan băng nhẹ trong quan hệ Mỹ Iran.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên vẫn bị nhiều người chỉ trích. Ngay cả những người ủng hộ thỏa thuận cũng thừa nhận đó là biện pháp để ngăn cho khoảng cách không tiếp tục bị dãn rộng, nhóm P5+1 nới lỏng một số trừng phạt với Iran để đổi lại việc Tehran tạm đóng băng chương trình hạt nhân.
Hiện, có hy vọng rằng trong thời gian 6 tháng của thỏa thuận trên, hai phía có thể đi tới một giải pháp trọn vẹn. Tuy nhiên, điều đó là rất khó và hai bên có thể quyết định kéo dài thỏa thuận lâm thời. Trong thỏa thuận hiện nay, có điều khoản cho phép họ làm như vậy. Phủ bóng lên các cuộc đàm phán về một thỏa thuận toàn diện sẽ là luật trừng phạt mới mà Quốc hội Mỹ gần như chắc chắn thông qua vào năm 2014.
Cuộc chiến nội bộ tiếp diễn ở Mỹ
2013 là một năm chông gai về ngân sách ở Washington do sự bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, khiến chính phủ phải đóng cửa một phần trong 16 ngày. Thỏa thuận Murray - Ryan cấp ngân sách cho chính phủ Mỹ tới tháng 9/2015 giúp đẩy lùi nguy cơ chính phủ phải đóng cửa một lần nữa - gia hạn thêm 18 tháng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kết thúc cuộc chiến bầm tím về vấn đề thuế và chi tiêu. Mùa xuân này, đảng Dân chủ và Cộng hòa dường như sẽ lại tiếp tục cuộc chiến nâng trần nợ. Cuộc chiến sẽ làm chấn động thị trường và tiếp tục ngáng trở kinh tế Mỹ.
Hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng
Nhiều nước sẽ tiến hành bầu cử vào 2014, với các cử tri dường như cáu kỉnh và bất mãn. Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước công nghiệp phát triển vẫn ở mức cao và các cử tri vẫn chưa thấy kết quả từ những năm tháng thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Tại những nước có nền kinh tế đang nổi lên, tốc độ phát triển chậm chạp làm các cử tri bất bình về sự bất bình đẳng trong thu nhập, tình trạng tham nhũng, các dịch vụ không tồn tại hoặc nghèo nàn của chính phủ. Không có gì ngạc nhiên, chủ nghĩa dân túy và dân tộc đang lớn mạnh.
Dù những lãnh đạo đương nhiệm có giữ được ghế của họ hay những người mới đắc cử thì người chiến thắng trong cuộc bầu cử 2014 vẫn sẽ thấy rất khó khăn để thực thi những giải pháp mà cử tri mong muốn.
Đốm lửa nhỏ thành đám cháy lớn ở Hoa Đông
Biển Hoa Đông có vẻ sẽ là một điểm bùng nổ trong 2014 đặc biệt là khi Trung Quốc công bố cái gọi là vùng nhận diện phòng không ở phía trên vùng biển mà Nhật cũng tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng giữa Nhật và Trung không thể loại trừ. Trung Quốc và Nhật chưa có cơ chế giao thiệp để giải quyết khủng hoảng đang tiến triển do đó, một xung đột nhỏ có thể biến thành xung đột lớn.
Chính quyền Obama kêu gọi hai bên bình tĩnh và tiếp tục đối thoại. Khủng hoảng ở Biển Hoa Đông có thể đẩy Nhà Trắng vào thế khó, phải cố gắng trấn an Tokyo nhưng không khuyến khích nước này khinh suất, và ngăn chặn Bắc Kinh mà không làm quan hệ Mỹ Trung không bị băng giá hơn.
- Hoài Linh (Theo CFR)