Dự báo trong năm 2024, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục coi Biển Đông là địa bàn cạnh tranh nước lớn, tăng răn đe quân sự và bán quân sự nhưng không trực tiếp đối đầu để tránh tổn hại đến ổn định khu vực có lợi cho cả hai.
Biển Đông nhiều lần là trọng điểm của những cuộc tranh chấp quốc tế gay go, quyết liệt.
Hiện nay trên Biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tranh chấp trong việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển liền kề hay đối diện nhau ở xung quanh Biển Đông khi vận dụng quy định Công ước UNCLOS 1982 (khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn).
Tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa là phức tạp nhất vì nó liên quan đến các quốc gia và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Malaixia, Brunây.
Đánh giá tình hình Biển Đông năm 2024, Đỗ Hoàng (Viện Biển Đông) cho rằng, Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các động thái của Trung Quốc và Mỹ, xuất phát từ nhu cầu nội tại và so sánh lực lượng giữa hai nước, đặt trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn tại khu vực.
Để dự báo tình hình, Đỗ Hoàng đề xuất xem xét các yếu tố sau: (i) nội bộ Trung Quốc và nội bộ Mỹ, từ đó nảy sinh những nhu cầu liên quan đến Biển Đông; (ii) so sánh lực lượng Trung – Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hành động của hai nước tại khu vực và Biển Đông; (iii) các chính sách hai nước đang và sẽ triển khai tại khu vực, trong tương quan với thái độ của các nước ASEAN.
Về nội bộ, chính trị Mỹ và Trung Quốc trong năm 2024 nhiều khả năng thúc đẩy hai nước theo đuổi cạnh tranh. Tại Trung Quốc, các chuyển dịch chính trị và kinh tế trong nước có thể tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc hành xử mạnh mẽ hơn tại Biển Đông.
Về mặt chính trị, Báo cáo Đại hội 20 đã thể hiện xu hướng ngày càng quyết tâm thúc đẩy triển khai chiến lược cường quốc biển, trong đó nhấn mạnh vấn đề Biển Đông trong bối cảnh nâng tầm quan trọng của “an ninh” trong tổng thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc (giai đoạn 2020-2050 có mục tiêu giúp hải quân kiểm soát vượt chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai).
Về mặt kinh tế, Trung Quốc vẫn có nhu cầu lớn về năng lượng. Các địa điểm Trung Quốc hiện khai thác năng lượng trên Biển Đông đều chủ yếu nằm ở phía Bắc, trong các năm tới nhiều khả năng sẽ dồn xuống phía Nam.
Ngoài ra, nhu cầu thúc đẩy phát triển hậu Covid-19 và ứng phó với chiến lược “phân tán rủi ro kinh tế” (derisking) từ Mỹ có thể sẽ khiến Trung Quốc đẩy mạnh khai thác Biển Đông hơn.
Căn cứ vào các nguyên tắc của luật pháp, thông lệ và thực tiễn quốc tế có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa được xác lập phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Tuy nhiên, do trong quá trình lịch sử tồn tại trên một trăm năm nay, cùng với sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là với Công ước UNCLOS 1982 và do đặc điểm địa lý của Biển Đông…, nên giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực còn tồn tại một số vấn đề tranh chấp hoặc chưa thống nhất cần được giải quyết trên các vùng biển và thềm lục địa.