Là hiệp định chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, Hiệp định EVFTA được Hội đồng châu Âu đánh giá là Hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được EU ký kết với quốc gia đang phát triển. Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới và là nước thứ tư ở Châu Á (sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore) ký hiệp định FTA với EU.
Đối với Việt Nam, EVFTA là một trong hai hiệp định (cùng với CPTPP) có độ cam kết và độ mở toàn diện, có trình độ và đẳng cấp cao hơn so với 12 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Thứ nhất, EVFTA có sự đòi hỏi rất cao về yêu cầu mở cửa thị trường. Việt Nam sẽ được hưởng việc cắt giảm hàng rào thuế quan của EU gần như 100% dòng thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Thứ hai, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam cả về công nghệ và nguồn lực đầu tư. Cùng với các FTA đã ký, EVFTA sẽ tạo nên sự phát triển đột biến, giúp Việt Nam hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, EVFTA được xem như đòn giáng trả chính sách bảo hộ của Mỹ ở thời điểm hiện tại. EVFTA giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng Mỹ, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và tìm kiếm vai trò lớn hơn trong chuỗi công nghiệp toàn cầu.
Thứ tư, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của EVFTA “dễ chịu” hơn các Hiệp định cùng tiêu chuẩn (TPP, CPTPP). Hiệp định EVFTA có quy mô và chiều sâu lớn hơn CPTPP. Hiệp định EVFTA cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ, giúp tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh, phát triển mạnh tại thị trường châu Âu.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, được hỗ trợ chủ yếu bởi nhu cầu nội địa mạnh và hoạt động sản xuất theo hướng xuất khẩu. Tham gia vào thị trường lớn và thống nhất như EU là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Thứ nhất, tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang EU: Mặc dù EU chưa phải là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, song Việt Nam luôn là bên có thặng dư thương mại[1]. Hiệp định EVFTA mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng xuất khẩu của Việt Nam sang khối thị trường lớn (chiếm 15% thị trường thế giới). Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như gạo, hải sản, quần áo và giày dép được hưởng lợi lớn từ Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU mang tính bổ sung, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Vì vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu và hợp tác kinh tế cũng như những lĩnh vực khác với EU lớn.
Hiệp định EVFTA có thời gian cắt giảm thuế quan với lộ trình rất ngắn, chỉ 7 năm toàn bộ thuế quan gần như giảm về 0%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU có mức thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, như gạo về thuế 0% nên Việt Nam cần tận dụng cơ hội khi mà các đối thủ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia chưa có FTA với EU. Năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU đạt 53.910 tấn, trị giá 38,07 triệu USD, tăng 0,8% về lượng, Tỉ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng tăng lên 70% năm 2021.
Năm 2021, bất chấp nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Hiệp định EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2020[2]; Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 42,7% (2025) và 44,37% (2030)[3]. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với năm 2019[4]. Năm 2022, nhóm sản phẩm máy móc, điện tử chiếm tới 24% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; nhóm hàng máy móc, thiết bị đạt tỷ trọng trên 18% (10/2022). Nhập khẩu các thiết bị máy móc, các nguồn nguyên liệu từ Châu Âu tăng giúp doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từ đó làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD (8/2020-7/2022), trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019[5].
Tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu cho thấy dấu hiệu của sự thay đổi trong thương mại giữa Việt Nam và EU theo hướng giảm thặng du thương mại. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam đang gặp bất lợi trong quan hệ thương mại với EU mà là bằng chứng cho thấy có sự chuyển hướng nhập khẩu khỏi các thị trường khác, chuyển sang nhập nhiều hàng hóa từ EU với chất lượng cao hơn và mức giá cạnh tranh do được giảm thuế. Người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi bởi EU có thế mạnh vượt trội về dược phẩm, máy móc, thiết bị và đặc biệt là công nghệ, đều là những mặt hàng Việt Nam cần cho phát triển. Song song với đó EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Thứ hai, giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự ước, Hiệp định EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam thêm 4,57-5,30% trong giai đoạn 2024-2028 và tăng thêm tới 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029-2033[6]. Trong trung và dài hạn, Hiệp định EVFTA góp phần làm tăng ngân sách nhà nước nhờ nguồn thu nội địa tăng lên từ tác động của tăng trưởng kinh tế (dự kiến tăng 7.000 tỷ đồng sau 10 năm thực thi Hiệp định)[7]. Khi kinh tế phát triển sẽ tạo đà cho cải cách và đổi mới ở Việt Nam tăng lên. Cộng hưởng tất cả những điều đó sẽ tạo vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.
Thứ ba, môi trường hành chính được cải thiện, giúp đầu tư mở và thuận lợi hơn, các cam kết sâu và rộng trong lĩnh vực đầu tư, giúp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư EU đến Việt Nam. Đầu tư của EU hiện chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, vì vậy sẽ góp phần tích cực trong việc tạo lập một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.
Ngày càng có nhiều công ty châu Âu xem Việt Nam như trung tâm đầu tư kinh doanh đầy hứa hẹn. EU hiện là nhà đầu tư (FDI) lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký lũy kế đạt 22,4 tỷ USD (2021). Việc ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư (30/6/2019) khiến thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam sẽ nhiều hơn. Theo đó, Hiệp định EVFTA tạo thêm nhiều việc làm, giúp giải quyết vấn đề lao động, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ước tính, Hiệp định sẽ giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm.
Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ cao, công nghệ nguồn. Với các cam kết trong EVFTA về phát triển bền vững, thương mại số sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận "công nghệ số, công nghệ xanh” hiện đại và tiên tiến của EU để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu” hướng đến kinh tế số và xanh, …giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường cao như thị trường EU. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.
Thứ năm, lợi thế về chính trị. Hiệp định EVFTA được ký kết đúng vào thời điểm quan trọng đối với Việt Nam, khi mà Việt Nam sẽ trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ năm 2020 cùng lúc đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN.
Hiệp định EVFTA được ký kết đã minh chứng cho thành công của Việt Nam trong thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa kinh tế đối ngoại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn cung ứng duy nhất và giảm sức ép rủi ro cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất trong số các đối tác thương mại tự do của EU, Việt Nam không tránh khỏi phải đối diện với một số khó khăn, thách thức:
Một là, khó đáp ứng về các yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa: Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN, nhưng đồng thời là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc dịch chuyển vào Việt Nam để tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Hai là, khó đáp ứng được các rào cản kỹ thuật thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. EU là thị trường khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, dán nhãn, lao động...của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng cần hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản từ EU. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại (các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa từ EU cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ba là, đối diện với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU. Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU là thách thức lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Bốn là, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại. EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Các nước EU đều có trình độ kinh tế và trình độ quản lý hàng hóa cao. Tham gia EVFTA, hàng hóa Việt Nam sẽ phải vượt qua những kỹ thuật cao (về y tế, về môi trường, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) trước khi được các nước trong EU nhập khẩu, nghĩa là Việt Nam chấp nhận cuộc chơi với xuất phát điểm kém hơn, do đó, mọi thách thức sẽ lớn hơn.
Thúy Hồng, Minh Hưng, Khánh Hòa