- Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Công Thương cần xem xét giảm giá bán lẻ xăng dầu, song, đại diện Bộ Công Thương lại cho rằng, “giá có lúc tăng lúc giảm và sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ cho giảm giá ngay”.
Sẽ giảm ngay nếu đủ điều kiện
Giá bán lẻ xăng dầu đã được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “nhắc nhở” tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 29/9. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, đối với mặt hàng xăng dầu, trước tình hình căng thẳng Syria đã dịu đi, tác động tích cực đến giá dầu thô và xăng dầu thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cần xem xét, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cân nhắc việc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều qua 30/9, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ông Vũ Xuân Chiến cho hay: “Việc giảm giá xăng dầu là theo chỉ đạo của Chính Phủ, việc tăng giảm giá vẫn phải theo Nghị định 84. Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn theo dõi sát giá thế giới”.
“Những ngày cuối tháng 9, giá xăng dầu thế giới có thấp hơn đầu tháng 9 nhưng giá xăng dầu có lúc tăng lúc giảm chứ không giảm liên tục. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính nếu đủ điều kiện sẽ cho giảm giá ngay”, ông Chiến nhấn mạnh.
Hiện nay, giá xăng A92 vẫn được giữ ở mức 24.270 đồng/lít, giá dầu diezen 22.310 đồng/lít, giá dầu hỏa 22.020 đồng/lít và dầu mazut loại 3,0S ở mức 18.810 đồng/kg .
Sau khi được điều chỉnh giảm 300 đồng/lít ở ngày 22/8, đến nay, các mức giá này vẫn đang… lỗ, theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam.
Tính đến ngày 27/9, giá xăng gẫn đang lỗ 365 đồng/lít. Dầu diezen lỗ 478 đồng/lít, dầu hỏa lỗ nặng nhất 1.018 đồng/lít và dầu madut lỗ nhẹ nhất là 178 đồng/kg.
Tuy nhiên, các DN đang được bù từ Quỹ bình ổn với mức: xăng 300 đồng/lít, dầu điêzen 400 đồng/lít, dầu hỏa 800 đồng/lít, đồng thời giảm tính lợi nhuận định mức từ 300 đồng/lít xuống 100 đồng/lít. Như vậy, các mức lỗ trên sẽ giảm đi.
Tự định giá không có nghĩa muốn làm gì thì làm
Liên quan đến dự thảo Nghị định 84 mới về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ, ông Chiến khẳng định, Nghị định mới sẽ khắc phục những tồn tại bất cập của Nghị định cũ.
“Biên độ điều chỉnh giá giữ ở mức 5% thay vì 7%. Chúng ta giao cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu thì phải hiểu là không phải muốn làm gì thì làm. Quyền định giá đều có sự giám sát của Liên bộ cũng như phải tuân thủ quy định của Nghị định mới”, ông Chiến cho hay.
Trong dự thảo vừa trình, các doanh nghiệp xăng dầu được tăng giá 5% nếu như các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến động tăng 5% so với giá bán lẻ hiện hành. Còn nếu đầu vào tăng lên quá 5%- 8%, các DN sẽ phải trình phương án đăng ký và bù đắp một phần từ Quỹ bình ổn. Nếu tăng trên 8%, giá xăng dầu sẽ được Nhà nước bình ổn.
Ngược lại, các DN cũng phải giảm 5% giá khi đầu vào giảm 5%. Nếu giảm quá mức này, Liên Bộ sẽ tính toán các khoản thu khác như thuế, phí… trước khi còn dư địa cho DN để giảm giá tiếp.
Ông Nguyễn Xuân Chiến cho hay, việc tính giá xăng dầu không phụ thuộc vào thời gian 30 ngày mà còn liên quan đến thuế, quỹ bình ổn, tình hình kinh tế vĩ mô... Công thức tính giá cơ sở còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nên thời gian điều chỉnh trong dự thảo mới chưa đưa ra, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và tiếp tục đề nghị Chính Phủ sửa đổi, bổ sung.
“Có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định này vẫn nặng về cơ chế xin cho, quan điểm của Bộ là mặt hàng này sẽ tiến tới cơ chế thị trường, nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu và điều này thể hiện không nặng về cơ chế xin cho.Mức điều chỉnh trong 5% là hướng tiến tới cơ chế thị trường”, ông Chiến nói.
Phạm Huyền