Tại đây, chương trình có các sản phẩm quê hương đến từ Hội quán Các Bà Mẹ của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy. Trong đó, tiết mục đổ bánh thuẫn truyền thống của chủ nhiệm Hội quán Các Bà Mẹ được mọi người quan tâm, vì đây là món bánh thường thấy trong dịp Tết ở miền Trung.
Ngoài ra, còn có sự đóng góp của những nét bút từ nhà thư pháp Thanh Trà với hoạt động “Nhìn mặt cho chữ”. Trong khi đó, ban nhạc từ Nhạc viện TP.HCM có cô Ngọc Hiếu (đàn bầu), cô Huyền Trang (tỳ bà), Tuệ Minh (đàn tranh), Chánh Nguyễn - ĐH FPT (đàn tranh)… đã biểu diễn nhiều tiết mục âm nhạc nức lòng người thưởng lãm.
ThS Trần Công Danh, đại diện đơn vị tổ chức cho biết, văn hóa truyền thống dần được mọi người, đặc biệt các bạn trẻ để ý, hưởng ứng, dưới mọi hình thức đa dạng, phong phú.
Các trò chơi dân gian ngày Tết bao giờ cũng khiến các bạn nhỏ thích thú.
“Tết quê trong phố - sân chơi để mọi người cùng tề tựu giao lưu, chia sẻ, cùng lan tỏa các giá trị văn hóa mà mình yêu mến cho mọi người với hình thức mộc mạc và rất đời thường, dân dã”, ThS Trần Công Danh nói.
Được biết, khi đến với không gian bảo tàng du khách, người dân có cơ hội được tìm hiểu nhiều hiện vật trưng bày giá trị, khám phá dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên “Tết quê trong phố” được tổ chức, anh Danh cho biết, hy vọng sẽ chia sẻ các nét đẹp văn hóa, khơi gợi ký ức Tết trong mỗi người. “Từ đó duy trì những cảm xúc, kỷ niệm đẹp về không khí Tết cổ truyền Việt Nam; đồng thời giới thiệu nét đẹp ngàn đời của cha ông đến du khách, bạn bè trong và ngoài nước”.
Bạn Trương Thanh Hùng cho biết, ở giữa lòng Sài Gòn mà có thể sống với không khí Tết quê, đậm nét Tết xưa như thế này quả là thú vị. “Mong rằng sẽ có nhiều những ngày hội như vậy để lớp trẻ có dịp học hỏi, sống với văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước”, bạn Thanh Hùng nói.
Lưu Đình Long