Hôm 18/6 vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Đề án Tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ GTVT đề án tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Đề án chỉ nghiên cứu về tổ chức bộ máy, không điều chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường bộ.

Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Cục Đường bộ cao tốc có khối tham mưu gồm 5 phòng là Tổ chức hành chính; Pháp chế - Thanh tra - An toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - Tài chính và Quản lý đầu tư xây dựng. Bên dưới có ba Chi cục Quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 và Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Cục sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Cục Đường bộ có khối phòng ban tham mưu tương tự, thêm phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế. Bên dưới Cục có 7 chi cục là I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Với số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là 728, dự kiến Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có 558 người và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có 170 người.

Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay gồm có: cơ quan tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng gồm 9 vụ; 5 cục trực thuộc và 21 chi cục cơ sở; đơn vị sự nghiệp có 12 đơn vị, gồm 4 ban quản lý dự án chuyên ngành; 5 trung tâm kỹ thuật đường bộ;  Trung tâm truyền thông, thông tin; Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải đường bộ và Cụm phà Vàm Cống.

Vũ Điệp