Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km dọc theo chiều dài đất nước, trung bình 100km2 đất liền có 1km đường bờ biển và 1km2 đất liền có 4km2 vùng lãnh hải(1). 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam có diện tích chiếm 41,3% tổng diện tích cả nước, là nơi tập trung 49,2% tổng dân số, với mật độ dân số cao hơn mức trung bình cả nước(2). Đây cũng là khu vực có nhiều đô thị lớn, tập trung đông dân cư, có tài nguyên thiên nhiên phong phú và tài nguyên văn hóa đa dạng.
Du lịch biển là ngành quan trọng trong tổng thể nền kinh tế biển của Việt Nam, không chỉ đóng góp lớn vào GDP quốc gia, còn tạo việc làm cho một lượng lớn lao động, bao gồm cả lao động chuyên nghiệp trong ngành du lịch và lao động xã hội gián tiếp.
Nhận thức được lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên các nguồn lực biển, đảo, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… đều khẳng định định hướng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu từ biến, lấy kinh tế biển làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước, thúc đẩy các vùng khác phát triển; bảo đảm phát triển bền vững, kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Trên tinh thần đó, thời gian qua, các tỉnh, thành phố ven biển đã và đang khai thác khá hiệu quả những nguồn tài nguyên và lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc và đa dạng để phục vụ các hoạt động phát triển du lịch biển biển.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2019, vùng ven biển của Việt Nam có 323 điểm du lịch, chiếm 61,5% số điểm du lịch của cả nước. Nhiều điểm đến du lịch ở vùng ven biển đã trở nên nổi tiếng thế giới, như vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Xuân Đài...
Trong thời gian qua, tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương ven biển của Việt Nam khá sôi động. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm ngoái, 28 tỉnh, thành phố ven biển có 1.291 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế có giấy phép đăng ký kinh doanh, chiếm 53,6% tổng số doanh nghiệp lữ hành có giấy phép đăng ký kinh doanh của cả nước; số cơ sở lưu trú ven biển có 7.703 cơ sở, chiếm 66,7% tổng số cơ sở lưu trú của cả nước. Các loại hình cơ sở lưu trú rất đa dạng, như khách sạn, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ, nhà có phòng cho thuê, bãi cắm trại du lịch, biệt thự du lịch... được xếp hạng từ đạt chuẩn phục vụ du khách cho đến 5 sao.
Cùng với đó, các sản phẩm du lịch của những địa phương ven biển tương đối đa dạng, mang tính đặc thù, như du lịch tham quan kết hợp du lịch sinh thái ở khu vực ven biển phía Bắc; du lịch sinh thái, du lịch tham quan kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và thể thao biển ở khu vực ven biển phía Nam… Qua đó, du lịch biển đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến từ các thị trường lớn, như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-lia, Mỹ, Ca-na-đa và châu Âu..., mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương.
Tuyết Nhung, Trần Sâm, Lan Anh