Đi du lịch thỏa thích mà không tốn kém thì ai cũng thích, thế nên những bài viết trải nghiệm du lịch với mức giá siêu rẻ luôn luôn giành được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào con số thực thực ảo ảo mà các “phượt thủ siêu tiết kiệm” đưa ra, thì rất dễ bị đánh lừa.

Du lịch hạng sang giá “bèo”

Cư dân mạng từng xôn xao về thực hư của câu chuyện cô gái đi làm lương 7 triệu/tháng nhưng vẫn rủng rỉnh tiền đi du lịch châu Âu. Theo bài viết của cô gái này, thì sau nhiều năm dành dụm, cô đã thực hiện thành công chuyến du lịch đến 4 quốc gia là Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp mà chỉ mất vỏn vẹn... 70 triệu đồng, bao gồm giá vé máy, đi lại, ăn ở, mua sắm...

Hơn thế, cô gái trên cho biết còn đủ tiền để mua sắm cho mình một vài món đồ hiệu như đồng hồ, giày, quần áo, mỹ phẩm và quà cho bạn bè, người thân khi về nước. Ngay khi bài viết này được công bố, rất đông cư dân mạng đã phản đối, cho rằng cô gái này đang dựng chuyện. 

{keywords} 

Họ cho rằng để du lịch đến 4 nước châu Âu thì mức giá trên là không tưởng, bởi cứ cho là cô gái trên ăn tiêu dè sẻn, “thắt lưng buộc bụng”, thì để đi hết từng ấy quốc gia cũng phải chi khoảng 80-90 triệu đồng, đó là mức giá tour trọn gói rẻ nhất.

Chưa kể, nếu đi tự túc thì phải xin visa cũng như có một khoản tiền chứng minh tài chính bắt buộc. Thậm chí, không ít cư dân mạng cũng rất thẳng thắn cho rằng, với mức thu nhập 7 triệu đồng, thuê nhà ở thành phố và phải gửi tiền về cho gia đình, thì không thể chỉ một vài năm mà tiết kiệm được tiền đi du lịch hạng sang như vậy.

Những bài viết như thế này khiến nhiều bạn trẻ ảo tưởng về việc đi du lịch hạng sang mà không cần có nhiều tiền

Không chỉ trường hợp nêu trên, mà trên các trang mạng xã hội cũng lan truyền rất nhiều bài viết, bí kíp du lịch “giá sốc”, với những tiêu đề như “du lịch Singapore 9 ngày 8 đêm với 6,5 triệu đồng”, “cô gái chỉ có 15 triệu đồng đi Hàn Quốc 6 ngày”...

Không chỉ nhanh chóng lan truyền trên mạng, bài sau lại đưa ra một mức giá thấp hơn bài trước, khiến cho nhiều người không khỏi choáng váng vì “đi du lịch chưa bao giờ dễ thế”. Còn các công ty du lịch chắc cũng phải lắc đầu chào thua vì dù có giảm giá hết cỡ cũng không cạnh tranh nổi mức giá mà các “phượt thủ” đưa ra.

Không nên đi du lịch bằng mọi giá

Rất nhiều “phượt thủ” đã nổi lên như cồn sau khi chia sẻ những trải nghiệm đáng mơ ước về những hành trình siêu tiết kiệm của mình. Chẳng biết là “câu like” hay đánh bóng tên tuổi, những bài viết này nhanh chóng nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ, và tác giả bỗng trở thành đối tượng được giới truyền thông săn đón.

{keywords}

Chuyến đi 980.000 đồng đến Cô Tô của cô gái bị phản ứng

Một số “phượt thủ” đã làm giàu từ trang cá nhân của mình nhờ đăng quảng cáo hay ký hợp đồng với các công ty phát hành sách nhờ những hành trình ly kỳ của mình. Thế nhưng, cũng không ít người đã nhanh chóng bị bóc mẽ. Mới đây, một quản trị viên trên diễn đàn Phuot.vn đã lên tiếng về chuyến đi 980.000 đồng đến Cô Tô của một cô nàng “hot girl” trên mạng.

Sau khi đưa ra những con số chi li sát với thực tế nhất, anh này cho biết chuyến đi này phải tốn ít nhất 1,08 triệu đồng. Như vậy, thành viên này kết luận, để đi được với mức giá trên thì cô nàng trên không những phải kiên trì, nhẫn nại mà còn cực kỳ may mắn.

Bỏ qua độ xác thực về tính chân thật của những câu chuyện trên, thì thay vì thúc đẩy người đi du lịch tận hưởng và học hỏi nhiều nhất từ chuyến đi, dễ nhận thấy những bài viết đều dẫn dắt người đọc theo hướng bất chấp, thích là đi. Điều này khiến cho nhiều bạn trẻ ảo tưởng, là có thể đi du lịch bằng mọi giá ở bất cứ đâu, bất chấp kinh phí èo uột và kinh nghiệm thực tế bằng 0.

Điều này ở một góc độ nào đó là thử thách nguy hiểm với những “tay mơ”, vì nếu không ước lượng được chi phí cần thiết cho một chuyến đi, bạn sẽ phải trả giá không chỉ bằng tiền bạc mà đôi khi là cả những rủi ro và tổn hại về sức khỏe, tinh thần.

Cây bút trẻ Ploy Ngọc Bích, người đã đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới từng chia sẻ: “Đúng là khi chúng ta trẻ, chúng ta thường không có nhiều tiền để đi đó đây, nhưng không có nghĩa chúng ta nên xoa dịu “sự túng thiếu” của mình bằng cách dỗ dành rằng mình đi rẻ thật là vô địch”. Nếu đi du lịch mà chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, chụp ảnh về khoe thành tích, hay ăn chực nằm chờ, đi đâu cũng lo giữ ví tiền… thì chuyến đi đó chẳng còn giá trị nào khác ngoài việc cho thấy bạn đang tự đày ải mình mà thôi.

(Theo ANTĐ)