Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng (tương đương 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân ngành du lịch đạt từ 13% đến 14%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%.
Trong đó, du lịch biển và ven biển được được dự báo là phân khúc có giá trị kinh tế lớn nhất, chiếm tới 70% hoạt động ngành du lịch Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng xác định ưu tiên phát triển Du lịch và dịch vụ biển hàng đầu.
Thế mạnh nổi bật của các tỉnh miền Trung là bờ biển dài với nhiều bãi biển trong xanh, ngoài khơi có các đảo còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ với hệ sinh thái biển đa dạng, thuận lợi cho phát triển du lịch biển, đảo. Phát triển du lịch miền Trung có tiềm năng kinh tế biển, đầm phá,… Tây nguyên có tiềm năng về rừng núi, hồ thác,…. đang là lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội cho du lịch phát triển. Thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực miền Trung và Tây nguyên.
Bên cạnh đó, một số công trình trọng điểm quốc gia được đầu tư ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu đi vào hoạt động như khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài lên công suất 5 triệu khách/năm đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiến hành GPMB để bàn giao đất vào tháng 3/2019)…Lợi thế về đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo về du lịch, đặc biệt là các các trường cao đẳng nghề du lịch gắn với thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực.
Để thu hút du khách cũng như giới đầu tư, nhiều tỉnh thành duyên hải miền Trung đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, trong đó Bình Định, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam... là những điểm sáng về phát triển du lịch xanh nhờ hội tụ nhiều lợi thế về biển đảo, văn hóa - lịch sử.
Được ví như "mặt tiền" của Việt Nam nhìn ra biển Đông, các tỉnh ven biển miền Trung, sở hữu bờ biển kéo 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, từ Thanh Hóa tới Phan Thiết, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch. Nhiều bãi biển miền Trung thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng trong những năm gần đây nhờ vẻ hoang sơ, môi trường cảnh quan thiên nhiên phong phú.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thời gian qua, hoạt động hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch đã được chú trọng, một số mô hình liên kết giữa các địa phương đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Hợp tác giữa Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam (3 địa phương một điểm đến); hợp tác giữa Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Nội; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nam Bộ, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… các liên kết vùng bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định. Không chỉ dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm, thông tin trong quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá mà còn xây dựng được một số sản phẩm du lịch chung như “Con đường di sản miền Trung”, “Hành trình kết nối các di sản”, “Con đường xanh Tây Nguyên”...
Tại Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề cập đến việc thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Theo đó, các địa phương và doanh nghiệp cần khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, an toàn du lịch, đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch.
Văn Thường, Vân Anh, Hoàng Giang