Tài nguyên quan trọng của đất nước
Dữ liệu số luôn là một thành phần quan trọng và cốt yếu trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Ðặc biệt, trong chuyển đổi số, dữ liệu số ngày càng được nhìn nhận với vai trò rõ nét hơn.
Năm 2023 đã được Bộ TT&TT chọn là Năm Dữ liệu số. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dữ liệu số là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, dữ liệu là đất đai mới và cần có thể chế quản lý mới để giải phóng giá trị. Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu.
Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu trong nhiều trường hợp không phải là một.
Bởi vậy, việc xây dựng thể chế để phân tách quyền sở hữu dữ liệu, định giá tài sản dữ liệu, phân chia lợi ích theo đóng gói là rất quan trọng. Trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển mạnh mẽ nếu dữ liệu trở thành hàng hoá. Và đây là nhiệm vụ của quản lý Nhà nước.
Phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm Dữ liệu tại Hòa Lạc của VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của kinh tế số.
Sự giàu có của một quốc gia trong tương lai được đo bằng dữ liệu. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. VNPT cũng như các nhà mạng viễn thông khác của Việt Nam phải có tầm nhìn đúng về hạ tầng dữ liệu của một quốc gia.
Việt Nam ra chiến lược về hạ tầng số và Luật Dữ liệu
Tháng 2/2024, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Chiến lược này đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ và an toàn phục vụ phát triển bền vững.
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 là 100% các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn.
Theo đó, các nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và các nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động Make in Việt Nam đảm bảo sẵn sàng đáp ứng 100% nhu cầu lưu trữ, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam.
Chiến lược này còn đặt ra mục tiêu 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc.
Ðặc biệt, năm 2024 đánh dấu bước đột phá khi Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu Quốc gia, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để khai thác, bảo vệ dữ liệu an toàn và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi người dân, doanh nghiệp và tạo dựng hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ, kết nối và chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước.
Ðề án 06 là nền tảng của dữ liệu quốc gia
Chiến lược dữ liệu quốc gia được Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.
Một trong những ví dụ điển hình của việc sử dụng dữ liệu phục vụ phát triển đất nước đó là Ðề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ðề án 06).
VNPT được lựa chọn để triển khai dự án này với tiến độ thần tốc và hiệu quả nhất. Chỉ trong vòng 5 tháng, VNPT và liên danh đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ công an sử dụng hệ thống.
Các dự án CNTT mang tầm quốc gia đều do VNPT thực hiện, song đây là dự án quy mô nhất, tầm cỡ nhất, rộng nhất, làm khó nhất, và được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.
Ðể triển khai thành công dự án này, VNPT đã huy động nhiều nguồn lực để tạo ra được những giải pháp tốt nhất, với bài toán quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Với những dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối dữ liệu của hơn 100 triệu người dân, các hệ thống đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, tỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Ðây cũng là chìa khóa giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả trong việc triển khai Ðề án 06, chuyển đổi số.
Những mô hình ứng dụng chuyển đổi số của Ðề án 06 đang được Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh, thành phố áp dụng, triển khai đã mang lại những kết quả, giá trị to lớn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Ðề án 06 chính là nền tảng đặc biệt quan trọng góp phần mang lại những thành tựu to lớn về chuyển đổi số nói trên.
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định vai trò to lớn của dữ liệu đối với công tác chuyển đổi số quốc gia. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và mức thu nhập cao vào năm 2045.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an hiện đã kết nối với 18 bộ, ngành (tăng 2 bộ so với năm 2023), 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp, đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận trên 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023); nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối.
Những kết quả này mang lại hiệu ứng rất quan trọng, phục vụ cho quản trị xã hội, tạo sức hút các ngành, các cấp, sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân trong chuyển đổi số.
PTIT được tổ chức quốc tế ghi nhận dẫn đầu về đổi mới sáng tạo
Năm 2024 được nhận định là năm để lại nhiều dấu ấn ý nghĩa trong chặng đường xây dựng và phát triển của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT, cả về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cũng như trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số giáo dục. Hình ảnh, thương hiệu của PTIT tiếp tục được nâng cao không chỉ trong nước mà cả với khu vực và quốc tế.
Là đơn vị giáo dục duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng CNTT uy tín ASOCIO 2024, trong năm qua, PTIT cũng được tổ chức SCImago bình chọn giữ vị trí 1 về tiêu chí đổi mới sáng tạo trong bảng xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học toàn cầu. Ðây là sự ghi nhận nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ của PTIT để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và cộng đồng.
Sinh viên PTIT đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như giải Nhất quốc gia cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa 2024; giải Nhất vòng thi châu Á – Thái Bình Dương cuộc thi toàn cầu Tech4Good; giải Nhất quốc gia cuộc thi AI Global Impact Festival… Nhiều sinh viên được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí tham gia các cuộc thi, chương trình trao đổi sinh viên tại nước ngoài.
Về chuyển đổi số giáo dục đại học, PTIT đã hoàn thiện 11 nền tảng cho giáo dục đại học số, tiêu biểu như ứng dụng kết nối người dạy và người học S-Link; hệ thống thực hành ảo D-Lab... Học viện cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên và sinh viên. Nhờ đó, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại PTIT, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ ngành TT&TT và cộng đồng.
Như Ý