- Trò chuyện bên hành lang Quốc hội với Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai về lộ trình cải cách tiền lương, bắt đầu từ năm tới.

Trả đúng sức lao động

Thưa bà, theo khảo sát mới đây của Bộ Nội vụ thì có tới 49% công chức hiện nay nhận mức lương không đủ để tái tạo sức lao động. Ủy ban có ý kiến gì về vấn đề này?

- Không chỉ công chức mà với những người lao động khác cũng tương tự. Trong tiến trình cải cách tiền lương cho 10 năm tới, chúng ta sẽ phải đánh giá tổng thể.

Bà Trương Thị Mai: Lương phải được trả đúng sức lao động. Ảnh: Minh Thăng
Hiện nay tiền lương phải tính theo quan điểm trả đúng sức lao động, có sự quản lý của nhà nước. Việc sửa Bộ Luật lao động phải có một số điều chỉnh ví dụ tiền lương phải là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
 

Nhưng người lao động bao giờ cũng yếu thế hơn và người ta cũng không có cơ sở để người ta xem thử tiền lương mà chủ sử dụng lao động đưa ra đã hợp lý chưa. Do đó, luật phải bổ sung thêm một số điều quy định vai trò của Nhà nước.

Ví dụ, Nhà nước phải đưa ra cơ chế để thông tin cho người lao động biết tiền lương trong vùng đối với các ngành nghề trong từng giai đoạn để khi kí hợp đồng lao động người ta có thể cân nhắc.

Thứ hai, Nhà nước phải đưa ra các cơ chế để hỗ trợ cho các thỏa thuận lao động tập thể.

Nhà nước phải quy định thang lương bảng lương để đăng ký kiểm tra kiểm soát như thế nào, hoặc quy định về cách thức trả lương cũng là một trong những vấn đề có thể xem xét trong quá trình đảm bảo tính hợp lý trong trả tiền lương cho người lao động.

Theo bà, việc xác định giá trị thực của sức lao động để trả lương có thể dựa trên tiêu chí nào?

- Vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Chẳng hạn khi sửa Bộ luật Lao động, chúng tôi đề nghị đưa ra những quy định là Nhà nước phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động là công đoàn, định kỳ đưa ra các thông tin công khai, minh bạch về tiền lương.

Ví dụ vùng Đông Nam Bộ mức lương cho ngành dệt may đang ở mức này là hợp lý, tức thì đó được xem như lương mẫu. Những việc này bây giờ chúng ta chưa làm nhưng sắp tới Nhà nước và tổ chức đại diện cho người lao động phải cố gắng làm. Để người lao động có cơ sở đưa ra các thỏa thuận, thương lượng hoặc ký hợp đồng lao động.

Ưu tiên ngân sách

Bà nói sao trước việc người lao động vẫn phàn nàn tốc độ tăng lương không theo kịp tăng giá?

- Phải nói rằng chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục trong nhiều năm làm cho nền kinh tế không ổn định. Bắt đầu từ năm sau, khi chỉ số giá tiêu dùng quay trở lại một con số thì hoàn toàn có thể tính toán được tương quan tiền lương và công bố thông tin cho dân biết.

Trước mắt, tình hình kinh tế vẫn chưa đạt được sự ổn định thì việc công bố mức lương theo vùng là hợp lý. Trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng có quy định việc Nhà nước sẽ công bố lương tối thiểu vùng và chia ra khoảng 2 -3 vùng thôi. Tôi nghĩ như vậy cũng không nhiều lắm.

Mức lương cách biệt phải tính toán cho hợp lý nhưng chúng tôi đang khuyến khích công bố lương tối thiểu ngành. Vì thực ra đa số là chúng ta chỉ rơi vào ngành yếu thế, đặc biệt ngành sử dụng nhiều lao động lương thấp, thu nhập thấp như da giầy, dệt may.
Còn khu vực sử dụng lao động công nghệ kỹ thuật cao người ta lương cao, không cần đến công bố lương tối thiểu của Chính phủ. Ngành yếu thế nếu chúng ta không quy định có khả năng nhóm lao động trong khu vực đó sẽ bị lạm dụng, bị áp dụng lương tối thiểu không hợp lý.

Trong tương lai, Nhà nước chỉ nên công bố lương tối thiểu chỉ để bảo vệ khu vực này thôi còn nền kinh tế của chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường không thể áp đặt một mức lương được.

Lâu nay, lộ trình cải cách tiền lương đã được tiến hành nhưng chưa giải quyết được các vấn đề bất cập căn bản nhất của thang bảng lương?

- Có một tiến bộ của năm nay, đó là chúng ta đã đưa mức lương của ba khu vực về sớm trước thời hạn tới một năm. Tức là dự kiến đến năm 2012 khu vực FDI, khu vực tư nhân, khu vực nhà nước sẽ cùng chung một mức lương. Nhưng năm nay chúng ta quyết định sớm hơn nhằm mục đích tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo mức sống trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Sang năm 2012 mới bắt đầu cải cách tiền lương cho lộ trình 10 năm sắp tới. Và các vấn đề bất cập sẽ được thảo luận một cách chi tiết để đưa ra định hướng một cách cụ thể hơn.

Bộ Tài chính công bố năm tới sẽ chi hơn 59 nghìn tỷ đồng cho việc tăng lương cán bộ, công chức. Cứ theo tiến trình như vậy liệu có gây gánh nặng lên ngân sách?

- Tôi nghĩ rằng gánh nặng ngân sách phải chấp nhận vì cán bộ công chức phải có lương tối thiểu để đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Dù ở mức nào, chúng ta vẫn phải ưu tiên ngân sách để giải quyết vấn đề này.

Vậy bà nghĩ sao về đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là tách các đối tượng công chức, viên chức, người nghỉ hưu để bố trí ngân sách hợp lý và có lộ trình phù hợp?

- Năm sau Luật bảo hiểm xã hội cũng sẽ được sửa đổi.

Theo đó, chính sách quan trọng nhất là chính sách hưu trí sẽ được sửa đổi mang tính chất dài hạn hơn, đồng bộ hơn. Hiện nay nhiều chính sách khác nhau làm chính sách hưu trí của chúng ta không đồng bộ, thống nhất, bất cập. Sửa đổi luật sẽ xem lại các chính sách, xem hưu trí là trụ cột an sinh xã hội số một để người lao động đến độ tuổi không còn lao động được nữa phải có thu nhập bù đắp, sống được ổn định.

Lê Nhung ghi