BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn giúp người lao động khu vực phi chính thức tiếp cận chính sách an sinh của nhà nước để khi về già có lương hưu. 
Tuy nhiên, hiện nay do mức đóng BHXH tự nguyện khá cao (22% mức lương căn cứ đóng), thời gian đóng dài, trong khi chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng các chính sách như đóng BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng được rút BHXH một lần như người tham gia BHXH bắt buộc.

Theo quy định hiện hành Luật BHXH 2014, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu: Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng BHXH đủ 20 năm; đi định cư ở nước ngoài; đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định; sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện mà chưa đóng đủ 20 năm.

Khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì người lao động có thể làm thủ tục xin rút BHXH tự nguyện một lần giống BHXH bắt buộc.

Mức hưởng BHXH một lần của người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: Bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014. Bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Nên cho rút hết phần người lao động đã đóng
Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chính sách BHXH một lần, hưu trí đối với người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự điều chỉnh. Dự thảo quy định, đối tượng được hưởng BHXH một lần sẽ bao gồm người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH. Trường hợp người tham gia không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng...

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất 2 phương án giải quyết BHXH một lần, tương tự như với BHXH bắt buộc. Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nếu người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, qua lấy ý kiến người lao động, công đoàn các cấp có nhiều đề nghị nghiên cứu quy định theo phương án 2.

Mục đích là bảo đảm quyền lợi về lâu dài, giữ người lao động ở lại lưới an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu có lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, việc cho phép rút ra một phần BHXH đã đóng cũng sẽ giúp ích cho người lao động khi gặp khó khăn.
Một chuyên gia lao động cho rằng, với tình hình hiện này rất khó có phương án thứ ba về rút BHXH một lần, tuy nhiên phương án tối ưu nhất rút “một cục” đối với người tham gia BHXH tự nguyện là trả lại phần tiền người lao động đã đóng cộng với tiền lãi theo đầu tư quỹ của BHXH. 

Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng với người lao động tham gia BHXH tự nguyện, bởi thực chất người lao động đóng BHXH tự nguyện như một khoản tiết kiệm hàng tháng, khi khó khăn có thể sử dụng được để trang trải cuộc sống.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016 - 2021 cả nước có hơn 54.000 người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu. Như vậy, bình quân mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện.

Luật BHXH năm 2014 quy định, chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện liên thông với chính sách BHXH bắt buộc thông qua việc quy định điều kiện hưởng lương hưu giống nhau; cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH giống nhau; thời gian đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc được cộng dồn. Điều này tạo điều kiện cho người lao động linh hoạt, tiện lợi chuyển đổi giữa 2 loại hình BHXH (tự nguyện và bắt buộc) phù hợp với quan hệ lao động, nhu cầu và khả năng tài chính của mình.