Sửa đổi Luật BHYT phù hợp với tình hình mới
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, BHYT là cơ chế tài chính công trong chăm sóc sức khỏe người dân và đã đạt được nhiều thành tựu tích cực.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT ước tính đạt 87,93 triệu người, bao phủ 90,85% dân số.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhận định, trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ này chứng tỏ chính sách BHYT ngày càng đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội, thể hiện nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia BHYT được nâng cao, chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của hệ thống chính trị...
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng đánh giá, những vấn đề bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHYT thời gian qua đang đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật BHYT.
Theo ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), có 9 nhóm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật BHYT gồm: Đối tượng tham gia BHYT; Quyền lợi BHYT; Quản lý, sử dụng quỹ và thanh toán chi phí; Cung ứng dịch vụ; Giám định BHYT; Cơ chế “thông tuyến” tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi về sử dụng hợp lý quỹ BHYT; Ứng dụng CNTT; Luật liên quan Luật BHYT sửa đổi liên quan đến sự điều chỉnh của các Luật khác; Nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao.
“Việc sửa đổi Luật BHYT lần này sẽ hướng tới mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế phát triển”, ông Khảm cho biết.
Một số điểm mới trong dự thảo
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này dự kiến có 59 điều; 12 chương, tăng 7 điều, 2 chương so với Luật BHYT hợp nhất hiện nay. Trong đó có 2 chương mới là: BHYT bổ sung và Giám định BHYT.
Chỉ rõ một số điểm mới trong dự thảo này, TS.Lê Văn Tiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện nhóm chuyên gia soạn thảo cho biết, Dự thảo Luật BHYT lần này đã đề xuất thành lập Hội đồng quốc gia về BHYT - là cơ quan tư vấn chính sách BHYT do Chính phủ thành lập.
Hội đồng có chức năng tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan liên quan trong hoạch định chính sách, pháp luật về BHYT, đề xuất mức đóng, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; giá dịch vụ kỹ thuật y tế… do quỹ BHYT thanh toán; Tư vấn giải quyết những bất cập phát sinh, tranh chấp...
Dự thảo cũng bổ sung một số điểm mới về phạm vi và mức hưởng BHYT, đề xuất quy định “chuyển tuyến” có điều kiện mở rộng như: cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe (CSSK) có quyền chuyển người bệnh đến bất kỳ tuyến nào; với cơ sở KCB không có hoạt động quản lý, CSSK thì chuyển tuyến theo thứ tự thấp lên cao...
Đặc biệt, nội dung hoàn toàn mới trong dự thảo luật lần này là Chương 3: BHYT bổ sung với nguyên tắc tự nguyện, và phải đã tham gia BHYT xã hội, đồng thời triển khai theo hình thức phi lợi nhuận.
Theo dự thảo, BHXH Việt Nam được tổ chức BHYT bổ sung nhưng phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, chi quản lý do Bộ Tài chính quy định, kết dư phải hỗ trợ đối tượng khó khăn, thâm hụt tự điều chỉnh. Dự thảo luật dự kiến các gói BHYT bổ sung như sau: gói BHYT để giúp cùng chi trả; chi trả chi phí ngoài BHYT; Chi trả một số trường hợp bệnh; các gói BHYT bổ sung khác...
Chương mới còn lại là Chương 9 về Giám định BHYT. Theo đó, dự thảo luật quy định rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan thực hiện giám định BHYT với điểm mới nổi bật là quyền trưng cầu ý kiến chuyên gia khi cần thiết.
Đồng thời, người làm công tác giám định phải có chứng chỉ hành nghề, các giám định viên phải có giấy chứng nhận đào tạo giám định BHYT. Nếu là giám định chuyên môn thì phải là bác sĩ, dược sĩ đại học... lộ trình áp dụng sau 5 năm luật có hiệu lực.
Thúy Ngà