Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung một chương quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp và biện pháp xử lý vi phạm. Việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định tại Luật BHXH.

 Biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm: Đóng đủ số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

dệt may Thái An (5).jpg (Hoàng Hà)
Luật Việc làm hiện hành quy định hai trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất thêm cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động, trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo đó, cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp khi có yêu cầu của người lao động, làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đó là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản…

Khi người sử dụng lao động tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc có quyết định tuyên bố phá sản, giải thể, mà thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đây sẽ là cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đối với trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Việc bổ sung cơ chế đặc thù đối với lao động bị nợ bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng, cũng là đề xuất của BHXH Việt Nam khi góp ý vào dự thảo luật.
 
Trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp 

Luật Việc làm hiện hành quy định hai trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng.

Lao động đủ điều kiện có thể chọn thôi việc lấy tiền trợ cấp thất nghiệp trước khi nhận lương hưu hàng tháng. Thời gian hưởng tối đa không quá 12 tháng, tương đương 144 tháng (12 năm) đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH bổ sung một số trường hợp không được nhận trợ cấp, gồm: Người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật; người bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc; người hưởng lương hưu; lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trên nhằm hạn chế gian lận, trục lợi.

Về điều kiện hưởng trựo cấp thất nghiệp, góp ý dự thảo,Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định Luật việc làm hiện hành.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các cấp công đoàn đa số đồng tình với việc người lao động nghỉ việc đúng pháp luật được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ lao động khi nghỉ việc, đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động.

Người lao động bị sa thải được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật. Mặc dù lý do bị sa thải cơ bản là do người lao động vi phạm kỹ luật lao động, nhưng cần xem xét hậu quả của việc người lao động bị sa thải không được nhận trợ cấp thất nghiệp.

“Người lao động bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận lao động. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động tiếp tục tham gia vào việc làm chính thức tiếp tục tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp…”, ông Hiểu cho biết.

Ông Hiểu cũng nêu thực tế, hiện này không ít doanh nghiệp muốn sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng đã thực hiện rất nhiều hình thức, mánh khoé như đẩy hiệu quả cong việc lên mức không thể thực hiện được, hay như các lỗi nhỏ trong công việc, trừ lương thưởng… khiến người lao động rơi cao tình cảnh khó khăn, thu nhập thấp, không đủ chi trả cho nhu cầu sóng cơ bản hàng ngày.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Ban soạn thảo đề xuất không cố định mức đóng mỗi bên 1% vào Quỹ mà tối đa 1%; mở rộng diện đóng bảo hiểm thất nghiệp, quy định giờ làm thêm của học sinh, sinh viên 24 tiếng mỗi tuần...

Luật Việc làm sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.