Tham dự hội thảo có đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Ban An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, các công ty luật và đông đảo các công ty sản xuất, kinh doanh đồ uống trong nước và nước ngoài. Hội thảo diễn ra trong không khí trao đổi cởi mở giữa Ban soạn thảo và các tổ chức, cá nhân tham dự.

Liệu có cần có Tiêu chuẩn Việt Nam về Nước giải khát?

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý lần này tại thành phố Hồ Chí Minh, sự cần thiết của TCVN về Nước giải khát là vấn đề được đặt ra và thảo luận nhiều nhất.

Đại diện Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie (Việt Nam), chia sẻ: Bà là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống; Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện theo Quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn 6-2:2010/BYT ban hành ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, mà chưa gặp vướng mắc gì đáng kể. Theo quy định của pháp luật, QCVN có giá trị pháp lý, bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, trong khi đó TCVN chỉ được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện (Khoản 1 Điều 23 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật). Vậy tại sao lại cần phải xây dựng TCVN về Nước giải khát trong khi đã có QCVN về các sản phẩm đồ uống không cồn?

{keywords}
 Hội thảo khoa học góp ý dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Nước giải khát

Cùng quan điểm trên, một luật sư khác cũng đặt ra câu hỏi cho Ban soạn thảo liên quan đến tính pháp lý, thẩm quyền trong việc xây dựng dự thảo này. Theo vị Luật sư này, Dự thảo TCVN về Nước giải khát không nằm trong Kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam năm 2019 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Vì vậy, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cần giải thích rõ đề xuất này đến từ tổ chức, cá nhân nào để tạo ra sự minh bạch thông tin và đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.

Dự thảo TCVN về Nước giải khát không rõ có nằm trong Kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam năm 2019 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hay không, vì vậy, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nên giải thích rõ mục đích của đề xuất xây dựng Dự thảo TCVN, để tạo ra sự minh bạch thông tin và đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.

Đồng tình với hai vị Luật sư, một số đại diện đến từ doanh nghiệp và các tổ chức cũng cho rằng không cần thiết phải có TCVN riêng biệt cho Nước giải khát, đề nghị nên dừng Dự thảo để đưa vào kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo đúng thủ tục luật định để các doanh nghiệp và cơ quan liên quan có đủ thời gian rà soát và đánh giá kỹ các căn cứ của việc xây dựng Dự thảo (Theo quy định tại Điều 13 Luật TCQCKT, căn cứ của việc xây dựng tiêu chuẩn bao gồm: Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; Kinh nghiệm thực tiễn và Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định).

Doanh nghiệp có nhiều băn khoăn về nội dung của dự thảo TCVN về Nước giải khát

Khi trao đổi sâu về nội dung của dự thảo, hầu hết các doanh nghiệp tham gia hội thảo đều nêu ra rất nhiều câu hỏi và chia sẻ xoay quanh định nghĩa “Nước giải khát”, phân loại nhóm, các yêu cầu kỹ thuật, ghi nhãn…

Điều này cho thấy phía doanh nghiệp đang có nhiều băn khoăn về nội dung của dự thảo và mong muốn nếu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tiến hành xây dựng dự thảo thì cần phải nghiên cứu một cách khoa học, đầy đủ và rõ ràng, tránh gây ra sự chồng chéo, rối loạn hệ thống pháp luật, khiến cho các doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn trong việc thực thi.

Trả lời các thắc mắc của các luật sư, doanh nghiệp, và các tổ chức tham dự hội thảo, đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết dự thảo TCVN về Nước giải khát nằm trong Quyết định sửa đổi, bổi sung của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Phê duyệt Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm 2019. Dự thảo được xây dựng dựa trên sự tham khảo các văn bản quốc tế - mặc dù vậy, vị đại diện cũng thừa nhận rằng chưa nước nào trên thế giới xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho nước giải khát.

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam tiếp thu các góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp và cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh nội dung dự thảo sau khi tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tiếp theo vào ngày 25 tháng 10 tại Hà Nội.

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cũng đã thông báo việc lấy ý kiến chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên trang thông tin điện tử của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam từ ngày 27 tháng 8 năm 2019.

(Theo Congthuong)