Phấn đấu 100% số xã trong toàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP

Trong 2 năm qua, tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, đến nay toàn tỉnh có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn năm 2021-2025, với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn; phát triển nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

binhduong2.png

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Đến năm 2025, phấn đấu 100% số xã trong toàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; có thêm 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP...

Chương trình OCOP Bình Dương đến năm 2025 tập trung phát triển 109 sản phẩm thuộc 5 nhóm sản phẩm OCOP chủ lực và tiềm năng của địa phương, gồm: Nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm dược liệu; nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Thúc đẩy chuyển đổi số, đưa sản phẩm của Bình Dương vươn xa hơn

Để đưa các sản phẩm của Bình Dương vươn xa sang các thị trường nước ngoài, mới đây, tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ Công Thương vùng Đông Nam bộ, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng rất khó để đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của những nhà bán lẻ tại Việt Nam.

Để được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của những nhà bán lẻ, nhà cung cấp cần biết rõ quy định, cũng như có giải pháp hỗ trợ để sản phẩm đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, qua phân tích có thể thấy, đa số các nhà cung cấp thường gặp chung một số vấn đề dẫn đến sản phẩm không đạt yêu cầu của các hệ thống bán lẻ hiện đại như: Thiếu thông tin dự báo nhu cầu thị trường, sản phẩm được chọn phụ thuộc vào nhu cầu và lựa chọn của khách hàng, do khách hàng quyết định. Do đó, nhà cung cấp cần phải nắm nhu cầu thị trường để sản xuất ra sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, việc chưa nắm rõ các quy định và kỹ thuật sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó là việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng chưa thuận lợi, hạn chế tầm bao phủ của sản phẩm ra thị trường.

Thêm nữa, do chưa tối ưu hóa chi phí vận chuyển và bảo quản đã dẫn đến giá thành không ổn định, ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng. Đồng thời, việc chưa ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Việc chưa chú trọng xây dựng hình ảnh sản phẩm đặc trưng vùng, miền cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu sản phẩm.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên nhiều giải pháp. Ví dụ để sản phẩm của các nhà cung cấp có thể gia nhập vào trong hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của những nhà bán lẻ tại Việt Nam, các nhà cung cấp cần xây dựng quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chí đồng nhất; tối ưu hóa khâu hậu cần (logistics) để gia tăng hiệu quả; áp dụng công nghệ để giữ ổn định sản xuất và giá thành; tạo vòng khép kín bằng cách thành lập đầu mối thu mua giữa các tỉnh, để kiểm soát giá – chất lượng – sản lượng; đặt ra nhu cầu đối với sản phẩm an toàn và tốt cho sản phẩm ngày càng tăng; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, vùng trồng, thời gian thu hoạch của sản phẩm; cần có tổng kho tại các vùng nguyên liệu tăng cường quảng bá sản phẩm.

Thêm vào đó, cần thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra mô hình sản xuất tiết kiệm, hiệu quả nhất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm của Bình Dương trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, cũng như kết nối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài để có thể giới thiệu nhiều sản phẩm Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung ra thị trường quốc tế.

Hiện Bình Dương được phép quảng bá 50 sản phẩm trên các kênh thương mại của các khách sạn tại Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là cơ hội rất thuận lợi cho các sản phẩm Việt Nam tìm thị trường tại Hồng Kông (Trung Quốc). Sắp tới, ngành Công Thương Bình Dương sẽ nghiên cứu và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sang một số thị trường mới như: Nam Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, đại diện tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh, không chỉ chú trọng thị trường nước ngoài mà bỏ sót thị trường trong nước với dân số hơn 104 triệu người. Bởi vậy, đại diện tỉnh Bình Dương cho rằng, ngay chính trong nội bộ các doanh nghiệp cần gia tăng giao lưu, trao đổi tìm ra những điểm mạnh và yếu của mình để xây dựng các giải pháp hoàn thiện sản phẩm mình hơn, giúp doanh nghiệp trong nước tự tin có sản phẩm chất lượng, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác đang nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Từ đó, đẩy mạnh phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. 

Lê Na và nhóm PV, BTV