Kết quả thăm dò dư luận xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai vào tháng 9/2022 cho hay, 94% người được hỏi cho rằng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ít nhiều có hiệu quả đối với việc thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.

Đối tượng thăm dò dư luận xã hội là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mẫu khảo sát được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng kết hợp phân theo khu vực. Địa bàn triển khai thu thập thông tin gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đăk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau và một số cơ quan Trung ương.

Tổng số phiếu phát ra là 2.550 phiếu, số phiếu thu về là 2.503 phiếu, đạt tỷ lệ 98%.

Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Trên 80% người được hỏi cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm tốt nhưng nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam (87%).

Thứ hai, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam (82%).

Thứ ba, cổ vũ và khơi dậy tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước (81%).

Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao và tin tưởng rằng  nội dung nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư thời gian qua đã thực hiện tốt, cụ thể: 1) Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam uy tín;  2) Phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại;  3) Công khai và minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam;  4) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;  5) Xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng ...;  6) Phát triển thương mại điện tử, kết hợp hài hòa giữa các kênh thương mại hiện đại và phương thức phân phối truyền thống.

Diệu Thúy, Mai Hương, Lê Thúy