Những năm gần đây, nắm bắt xu hướng xanh trong các công trình xây dựng, nhất là các khu chung cư cao tầng, các chủ đầu tư khi quảng bá dự án thường “gắn mác xanh” vào để quảng cáo thu hút khách hàng.

Trên thị trường bất động sản, từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, không khó để thấy thông tin mở bán những dự án được quảng cáo "xanh", "thiên nhiên", "sinh thái"…. Từ cây xanh, không gian xanh, tới cuộc sống xanh... với những hình ảnh cây cối, cảnh quan bắt mắt được chủ đầu tư sử dụng trong các thiết kế bán hàng. Tuy nhiên, từ những hình ảnh đẹp trên quảng cáo tới thực tế dự án là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

{keywords}
Theo IFC, đến quý III/2020, số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp xây dựng có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% - 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0% - 3% tổng mức đầu tư/ công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đến quý III năm 2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Một trong những vấn đề đặt ra là khi xây dựng một công trình xanh, doanh nghiệp sẽ phải “cõng” thêm 10 - 15% tổng kinh phí xây dựng. Không ít ý kiến cho rằng, với công trình công cộng, chung cư cao cấp thì mức tăng 10 - 15% là không đáng kể và có thể chấp nhận được đối với một chủ đầu tư bất động sản. Nhưng đối với các công trình nhà ở bình dân, nhà ở trong khu dân cư, chi phí trội thêm 10% đã là quá cao so với thu nhập bình quân của người lao động.

Trước đó, trao đổi về xu hướng xanh tại Diễn đàn bất động sản thường niên ông Nguyễn Công Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, dù những lợi ích, hiệu quả về mặt năng lượng, môi trường, kinh tế và sức khỏe của công trình xanh mang lại là rõ ràng và đã được minh chứng cụ thể trong các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, số lượng các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh vẫn còn ít.

Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công trình xanh chưa đầy đủ. Chưa có các quy định bắt buộc để yêu cầu các công trình có vốn đầu tư công phải đầu tư xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu về thiết kế và xây dựng công trình xanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi cho các dự án công trình xanh còn chưa nhiều.

Để thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam, theo ông Thịnh cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan. “Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và chúng tôi cũng đã đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng luật hóa công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng đề xuất thiết lập và huy động sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư trong việc hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các dự án đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xanh.

Nêu lên vấn đề phát triển công trình xanh trong ngành xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới đơn vị này kết hợp với UNDP tổ chức sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020. Tại chương trình này, các diễn giả đến từ các ban, bộ ngành trung ương, các chuyên gia quốc tế và trong nước trong lĩnh vực xây dựng, thực thi chính sách, tư vấn thiết kế, đầu tư – xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, các nhà cung cấp giải pháp về công nghệ, thiết bị, vật liệu hướng tới yếu tố xanh và phát triển bền vững.

Cũng theo Bộ Xây dựng, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế đến năm 2030 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật.

Ngành xây dựng đã và đang thực hiện cam kết này thông qua hàng loạt các chính sách như: Nghị quyết số 55-NQ/TW (ngày 11/02/2020) của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140/NQ-CP (ngày 02/10/2020) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các nhiệm vụ cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành Xây dựng, Luật xây dựng sửa đổi (2020); Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050… Vì vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.

Hiện nay tại Việt Nam đang có 4 hệ thống đánh giá công trình xanh gồm: Leed của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ; Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore; Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam; Edge của Tổ chức Tài chính ngân hàng thế giới (IFC). Các hệ thống tiêu chí đánh giá này đều được công nhận bởi Hội đồng công trình xanh thế giới với 5 tiêu chí cơ bản là vật liệu, địa điểm, nội thất, sử dụng nước và năng lượng.

Minh Nhật

Mê trận quảng cáo câu khách, lừa dối khách hàng trên thị trường bất động sản

Mê trận quảng cáo câu khách, lừa dối khách hàng trên thị trường bất động sản

- Những chiêu trò cạnh tranh, lừa dối, nói xấu đối thủ của môi giới trên thị trường bất động sản khiến khách hàng nhiều phen giật mình.