Theo Báo cáo hành vi người tiêu dùng của VISA năm 2022, có đến 76% người dùng cho biết tiếp tục sử dụng ví điện tử sau đại dịch, 82% sẽ sử dụng dịch vụ thẻ ngay cả khi không còn dịch bệnh.

Trong thương mại điện tử, theo nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, quy mô của giao dịch trực tuyến đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Từ quý 1/2021 đến quý 1/2022, số lượng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam đã tăng gấp đôi, còn quy mô giao dịch tăng gấp 3 lần. Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ tăng cường chuyển đổi số, liên kết với các đơn vị trung gian để cung cấp giải pháp thanh toán online cho người dùng.

Hình thức thanh toán thẻ truyền thống cũng được triển khai. Tại những mô hình toàn diện, khách hàng có thể thanh toán bằng bất kỳ phương thức thanh toán nào: thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR của hơn 40 ngân hàng và ví điện tử phổ biến trên thị trường cùng những phương thức thanh toán mới nổi như thanh toán không tiếp xúc.

Tại các quán ăn hiện nay đều chấp nhận rất nhiều hình thức thanh toán khác nhau. Ảnh: Linh Đan

Nhiều người dân đã quen thuộc với hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng với các khoản tiền điện, Internet, truyền hình cáp, mua vé máy bay, đặt tour du lịch, thậm chí là nộp tiền học, khám chữa bệnh, nộp thuế, phí bảo hiểm... Không phải mang theo tiền mặt bên người, không lo nhầm lẫn hay thiếu tiền lẻ, với chiếc thẻ cùng tài khoản trong ngân hàng, người sử dụng có thể chi tiêu bất cứ ở đâu có máy chấp nhận thanh toán.

Chưa kể, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như trích nợ tự động, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại di động, qua mã QR... còn thường xuyên có ưu đãi, giảm giá, tặng điểm thưởng... mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Để duy trì phương thức thanh toán nhiều lợi ích này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như sau:

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), hệ thống thanh toán nội bộ và các hệ thống thanh toán khác, đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống thanh toán quan trọng, hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ công và các hệ thống khác để cung ứng dịch vụ thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả cho tổ chức, cá nhân.

Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) và áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR Code, Tokenization, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless)... đối với các dịch vụ công, dịch vụ tiện ích như điện, nước, học phí, viện phí, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, các thủ tục hành chính công trực tuyế

Chú trọng nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Phối hợp với các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần xây dựng hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử có thể bao phủ tới nhiều địa phương...

Xây dựng chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng.

Tích cực truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán và các giao dịch trên môi trường mạng, qua đó, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính.  

Chủ động nghiên cứu các mô hình, phương tiện, hình thức thanh toán mới trên thế giới, áp dụng hiệu quả vào Việt Nam. Thiết lập và củng cố cơ chế đối ngoại song phương về lĩnh vực thanh toán với các đối tác chiến lược toàn cầu.

Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận... tạo nhiều nền tảng dễ sử dụng cũng như nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng, thói quen sử dụng tiền mặt khi thanh toán sẽ dần được thay thế.