Trong suốt 18 năm nuôi dạy cô con gái, nhà văn - nhà báo Hồ Thị Hải Âu tin vào quan niệm “học để tăng cường tố chất quan trọng hơn là chờ xem con mình có tố chất gì để học”.

Học để tăng cường chỉ số AQ

Chia sẻ câu chuyện con gái học đàn trong 14 năm trong một buổi giao lưu ngày 7/1 tại Hà Nội, chị nói: “Tố chất mà con đạt được đầu tiên khi học đàn piano đó là thái độ làm việc nghiêm túc, là cách con hiểu rằng phải khổ luyện mới thành tài”.

{keywords}

“Con thuận tay trái, nghĩa là bán cầu đại não phải rất phát triển. Bán cầu đại não phải chịu trách nhiệm về tư duy hình tượng, thiên về tư duy nghệ thuật, nhưng nó cũng cho thấy rằng bạn ấy rất lúng túng khi đứng trước những vấn đề logic hay là việc học toán sau này. Khi bạn ấy học đàn piano, 2 bàn tay làm việc đều nhau, làm những công việc không giống nhau, nên nó luyện cho 2 bán cầu đại não được làm việc cùng lúc một cách cân phương và sẽ sửa đi một số cái lệch bẩm sinh”.

Bà mẹ này cho biết, khi nhận thấy con có dấu hiệu phát triển không cân phương, chị đã cho con học piano từ năm 5 tuổi mà không kỳ vọng con sẽ trở thành nhạc công. Nhưng chị có niềm tin rằng điều ấy sẽ giúp con hiểu về lao động và khổ luyện, rèn luyện khả năng tập trung cao độ, giúp con hiểu rằng mỗi một nốt nhạc hoàn toàn giống nhau về hình thức nhưng chỉ trên hoặc dưới, trước hoặc sau thì đã làm cho quãng nhạc thay đổi và từ đó dạy con về tính kỷ luật và sự tinh tế.

Việc học không phải học nhạc để trở thành nhạc sĩ, mà thực sự nó giúp cho bạn tăng cường tố chất về tư duy, vượt lên chính bản thân mình, mà trong khoa học người ta gọi là chỉ số AQ – chỉ số vượt khó.

Đừng tước bỏ cơ hội của con

“Ở Việt Nam, nhiều bố mẹ nói rằng tôi phải đi “test” một cái trắc nghiệm gì đó để biết rằng con mình có một năng khiếu nào đó, một thiên hướng nào đó để đầu tư. Và điều này, tôi cảm giác không được nhân ái lắm với đứa trẻ” - chị Hải Âu chia sẻ.

Chị cho rằng, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh để xem điều này có thực sự cần cho con mình hay không. “Bởi vì một khi bạn đã làm một bài “test” như thế rồi thì các bạn gần như bị ám thị điều đó, rằng con mình rất mạnh về cái này và rất yếu về cái kia. Và rồi dần dần chúng ta sẽ đi theo hướng đầu tư vào cái mạnh, còn cái yếu thì chúng ta nghĩ rằng “thôi có đầu tư cũng chỉ được đến thế thôi”, và chúng ta sẽ bớt nỗ lực đi”.

Việc “test” chỉ số đó, theo chị, có thể phù hợp với những người trưởng thành để định hướng nghề nghiệp. Nhưng với một đứa trẻ đang trên con đường cần được dẫn dắt, cần thuần thục những kỹ năng, tố chất của mình mà chúng ta “test” như vậy, “tôi sợ rằng chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội và những thứ mà con cần được hưởng, để khi lớn lên đứa trẻ ấy có một sức đề kháng về tâm hồn, về cơ thể, về trí tuệ một cách tốt nhất”.

Không nên chờ đợi một môi trường hoàn hảo

Chị kể, gặp lại các bạn học cũ, mọi người vẫn hỏi “ngày xưa tồ thế sao bây giờ làm mẹ giỏi thế?”. “Chính vì tồ, mình cảm thấy thấp kém hơn các bạn nên mình phải nỗ lực cố gắng”. Và chị rút ra, hãy sử dụng những cái bất lợi của bản thân để vượt lên chính mình và đó chính là lợi thế.

“Việt Nam mình cũng vậy thôi. Chúng ta có rất nhiều những bất lợi. Giáo dục Việt Nam có rất nhiều bất lợi. Trong khi mà bố mẹ đang phản biện lại nền giáo dục, mà phản biện lại ngay trước mặt con mình thì tôi cho rằng đó là một cách sai”.

“Bởi vì khi bạn phản biện và đưa ra những điều không tốt của nền giáo dục trước mặt con cái quá nhiều thì sẽ làm cho đứa trẻ có một ý nghĩ rằng, nó xấu như thế thì nếu mình có điều gì xấu cũng không phải là nghiêm trọng”.

“Bản thân tôi luôn nói với con rằng, nếu như học ở Việt Nam áp lực thì mẹ con mình sẽ nhảy múa cùng với áp lực. Chúng ta sẽ cố gắng cùng với áp lực”. Và chị cho rằng, những áp lực đó sẽ giúp con rèn giũa để tồn tại ở những môi trường khác, giải quyết những vấn đề khác trong cuộc sống còn áp lực hơn.

Chị cho rằng, chúng ta nuôi dạy con thì không nên chờ đợi một môi trường hoàn hảo. “Bởi vì lấy đâu ra một môi trường hoàn hảo”.

Con có hạnh phúc nếu không thành công?

Chị gửi đi một thông điệp tới các bà mẹ trong buổi giao lưu, rằng: Hãy nuôi dạy một đứa trẻ bình thường bằng trí tuệ và tình yêu của mình thì bất cứ đứa trẻ bình thường nào cũng thành công.
Tuy nhiên, khi bàn tới khái niệm “thành công”, chị cũng làm rõ thêm rằng, “nhiều khi các bạn hay bị truyền thông hoặc một vài quan điểm cho rằng chỉ cần con hạnh phúc là đủ, không cần con thành công.

Nhưng thực ra, hạnh phúc là gì, chỉ có đứa trẻ mới hiểu được. Vì đó là cảm nhận của cá nhân. Tuy nhiên có một điều rất chung, đó là người hạnh phúc không thể nào là người buồn bã, không thể nào là một người luôn thất bại trên đường đời. Và sự thành công hay thất bại đó là thể hiện năng lực vượt lên chính mình mà thôi”.

Nguyễn Thảo