- Việt Nam có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực UB TƯ MTTQ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.

{keywords}

Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương đồng chủ trì hội thảo.

Sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch

Một quốc gia được xem là trung tâm chế tạo (TTCT) của một châu lục hay thế giới phải là quốc gia tập trung nhiều nhà máy, công xưởng sản xuất lớn với những công nghệ cao, có hàng hoá xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn so với các nước khác ở một hoặc nhiều ngành công nghiệp. Vì vậy, không phải quốc gia nào cũng có thể phát triển thành TTCT của thế giới.

Những quốc gia nào có lợi thế về nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ cùng với những chính sách của chính phủ tạo thuận lợi cho các công tư nước ngoài sẽ có cơ hội phát triển thành TTCT. Điển hình là Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bên cạnh nhiều thành tựu sau 30 năm đổi mới, cần đặt câu hỏi trong thời gian tới thách thức như thế nào, trong đó có nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.

“Đánh giá của một số tổ chức quốc tế về việc Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới gợi ý cho chúng tôi cần phải làm rõ thêm chúng ta có tiền đề gì, lợi thế gì để hướng đến xu thế phát triển này. Chúng tôi cũng nhận định nhu cầu chuyển dịch trung tâm chế tạo thế giới như thế nào, Việt Nam có điều kiện chuyển dịch ra sao”.

“Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là cần đặt câu hỏi vì sao các nhà đầu tư có thể chuyển dịch từ nước này sang nước khác. Vấn đề thứ hai cần đặt ra là người ta đi đâu, vì sao họ đến các nước đó? Nếu việc chuyển dịch có tính tất yếu 20-30 năm, Việt Nam muốn tham gia thì có điều kiện gì, gặp khó khăn gì?

Thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% là đầu tư nước ngoài và đến nay là về chế biến, chế tạo. Đó là những tín hiệu thuận lợi. Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã kịp nắm bắt cơ hội để vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ xây dựng và phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới”, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ.

Cơ hội gắn liền thách thức

Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng ngành này tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012: 70%, 2014: 72%.

80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực này.

{keywords}

Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh, sự phát triển của DN thuộc lĩnh vực này không đồng đều, chủ yếu là FDI trong khi DN nội còn hạn chế.

Bà Victoria Kwakwa đánh giá, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam còn khá thấp, điều này cho thấy sự liên kết chuỗi giá trị toàn cầu với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và điều đó chứng minh sự yếu kém của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Do vậy, bà cho rằng, cần có chiến lược đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến chế tạo hơn nữa, như đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, logistic, chất lượng nhân lực và đặc biệt là đầu tư vào thể chế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này hơn nữa, để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến chế tạo của thế giới.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Đông Nam Á cho thấy nước này không còn được xem là công xưởng chính của thế giới. Trong khi đó, dòng vốn Nhật Bản đang chuyển mạnh vào Việt Nam. Có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản được  khảo sát tại “Diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015” cho biết sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước châu Á sang Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hiện nay, thị phần toàn cầu của Trung Quốc về các sản phẩm cần nhiều lao động truyền thống như dệt, may mặc và giày dép vẫn còn cao so với các đối thủ cạnh tranh từ các khu vực đang phát triển, dù có sự tăng lên gần đây cuả các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong EAP (Việt Nam và Indonesia), cũng như ở Nam Á (Ấn Độ và Bangladesh) và châu Âu, Trung Á (Thổ Nhĩ Kỳ).

Cần nhiều chính sách để cụ thể hoá cơ hội

Ý tưởng để Việt Nam trong 10 đến 15 năm tới trở thành một trung tâm chế biến và chế tạo mới của thế giới, theo KS. Đào Phan Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam  là một ý tưởng rất táo bạo.

Nếu thực hiện được việc này thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển. Nhưng để ý tưởng thành hiện thực, Nhà nước phải có bổ sung kịp thời nhiều chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

{keywords}

Theo Ths. Trần Thị Thành, Đại học Công nghệ TP. HCM chỉ ra những hạn chế: Mặc dù Nhà nước không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn đó sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, những thủ tục hành chính rườm rà, sự thiếu minh bạch trong quản lý.

Muốn trở thành một trung tâm chế tạo của thế giới, theo Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, phải tiếp tục giữ ổn định chính trị, kinh tế, không ngừng đổi mới về khoa học và công nghệ. Đặc biệt cần khắc  phục những chính sách chưa được thực hiện tốt để tạo động lực sáng tạo nhiều hơn nữa trong tương lai.

“Mức thu nhập của chúng ta nếu so sánh với Trung Quốc, Nhật Bản thì thấp hơn rất nhiều nhưng thanh niên của chúng ta có tinh thần sáng tạo không ngừng, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ”. Ông tin tưởng KHCN cũng như giáo dục sẽ được đầu tư nhiều hơn nữa để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tại Việt Nam.

Sau hội thảo này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các bên liên quan sẽ phối hợp với nhau để đề xuất với Chính phủ về việc Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới và tìm các giải pháp phù hợp để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này.

Từ Lương - Ảnh: Hoàng Long