- Những bữa cơm ngon, những cử chỉ chăm sóc dịu dàng như một chiếc áo sơ mi được là thẳng, thắt cà vạt cho chồng trước khi đi làm, nụ hôn nhẹ trước khi đi làm…

Tin bài khác:

Chúng tôi tự nguyện đến với nhau. Sau 8 năm chung sống, dù rất nhiều lần anh làm tôi khóc nhưng tôi vẫn yêu anh. Anh lúc thì nồng nhiệt lúc quá lạnh lùng. Tôi đau khổ với những biểu hiện của anh ấy, tôi không biết anh có còn yêu tôi không?

Tôi nghi ngờ anh có người khác và tôi luôn dằn vặt mình vì điều này.

Mặc dù, tình cảm của anh là thế, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ điều gì có lỗi với anh. Có một thời gian (chỉ khoảng hơn 01 tuần) do áp lực công việc, tôi hay nói chuyện và đi ăn trưa với 1 đồng nghiệp, anh ta rất nhiệt tình, lúc nào cũng đòi đi theo tôi, thế nhưng sau đó tôi thấy khó chịu và tôi khuyên anh ta đừng lằng nhằng theo tôi nữa. Cũng ngay sau đó, chồng tôi nói rằng tôi ngoại tình và quy kết tội cho tôi, anh không cho tôi giải thích và cũng chẳng tin tôi.

Giờ đây, tôi có linh cảm anh có người khác, tôi hỏi thì anh trả lời không có, tôi cũng muốn tin anh. Tôi muốn xây dựng lại tình cảm vợ chồng, tôi muốn tạo không khí vui vẻ, nên đùa nghịch với anh, anh cũng vui với tôi nhưng chỉ được vài hôm đâu lại vào đấy. Tôi trao đổi với anh để tìm tiếng nói chung nhưng anh cho rằng tôi gây sự, tôi thất thường. Tôi sợ mất anh, tôi khóc cho tình yêu của chúng tôi, tôi không muốn nó mất đi như vậy.

Có một điều tôi biết rất rõ, anh luôn đem gia đình anh (bên nội) đặt giữa chúng tôi, khoảng cách giữa tôi và anh ngày càng lớn hơn, tình cảm chúng tôi càng lạnh nhạt, anh cho rằng đó là chu kỳ của tình cảm, nhưng tôi lại nghĩ khác, giá như anh tách bạch được đâu là tình cảm chung và tình cảm riêng.

Tôi cảm thấy bế tắt. Trong đầu tôi luôn có ý nghĩ tìm sự yên tĩnh, nhiều khi muốn chết quách cho xong. Thương con thơ vô tội, tôi nhủ thầm hãy cố gắng chịu đựng nhưng tôi vẫn không thoát được vòng lẩn quẩn của chính mình. Xin hãy giúp tôi giải tỏa tâm lý này. (Câu hỏi của bạn Hoang Dung).

Ảnh minh họa
Tư vấn viên trả lời:

Trước tiên, chúng tôi cám ơn bạn Dung vì đã có những chia sẻ thực lòng và chi tiết như vậy. Có thể thấy rằng, bạn đang gặp rất nhiều áp lực trong cuộc sống và công việc. Câu chuyện về anh bạn đồng nghiệp của chị, chị có thể cho nó trôi và dĩ vãng, bạn không cần mất công giải thích hay kể lại với chồng, vì điều đó thực sự không cần thiết, càng giải thích, sẽ càng khiến chồng bạn thêm nghi ngờ. Có câu “cây ngay không sợ chết đứng”, tôi tin rằng qua thời gian, chồng bạn sẽ hiểu rằng bạn không làm gì có lỗi.

Chồng bạn cũng có những lo lắng, những áp lực về trách nhiệm trong công việc, gia đình. Phụ nữ thường hay tò mò, muốn tìm hiểu và nghĩ rằng có thể hỏi rõ ràng mọi chuyện. Nhưng đàn ông lại khác, họ thường không muốn chia sẻ với vợ mình, vì sợ vợ mình sẽ lo lắng hoặc sẽ suy diễn những hành động của mình theo nghĩa khác. Điều đó dẫn đến việc hai vợ chồng không có tiếng nói chung. Bạn có thể quan tâm tới chồng, nhưng theo một cách khác. Những bữa cơm ngon, những cử chỉ chăm sóc dịu dàng, như một chiếc áo sơ mi được là thẳng, thắt cà vạt cho chồng trước khi đi làm, nụ hôn nhẹ trước khi đi làm, bữa cơm buổi tối, và cái ôm nhẹ nhàng trước khi đi ngủ … Những điều đó sẽ giúp chồng bạn bớt đi những áp lực trong công việc. Có thể chồng bạn sẽ thắc mắc hay có nghi ngờ về sự chăm sóc bất ngờ, nhưng bạn hãy xua tan nghi ngờ của chồng bạn, khi giải thích rõ ràng rằng, bạn muốn chăm sóc và chia sẻ cho chồng những áp lực trong cuộc sống.

Chỉ khi chồng bạn thoải mái, anh ta sẽ sẵn sàng chia sẻ. Hãy dùng những câu hỏi mở như “Dạo này công việc anh thế nào?”, “Nhà bên nội có chuyện gì à”, “Có cần em giúp gì cho anh không”... và đừng cố tìm hiểu theo cách hỏi cung, tìm hiểu đến cùng.

Chuyện về gia đình bên nội, người đàn ông thường phải có trách nhiệm với gia đình và đó là một nghĩa vụ xã hội cũng không nhẹ nhàng gì. Bạn có thể cùng anh đóng góp trách nhiệm với gia đình bên nội, vì gia đình nội ngoại cũng là một phần của gia đình mình. Bạn hãy nghĩ rằng, đó là trách nhiệm chung của hai vợ chồng, chứ không phải anh đặt vào giữa bạn và anh ấy.

Cuối cùng, bạn cũng nên dành thời gian cho bản thân, tuần có thể có 1-2 buổi bạn đi chơi, uống nước, trò chuyện cùng vài cô bạn gái thân, sẽ giúp bạn thấy thoải mái, thư giãn hơn, chia sẻ bớt áp lực trong công việc và cuộc sống.

Hãy cho chồng bạn biết bạn đi đâu, với ai, thậm chí có thể chủ động nhờ chồng bạn đưa đón, hoặc đi cùng. Thậm chí hai vợ chồng có thể ra ngoài đi dạo, uống nước. Chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc và hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung.

(Hữu Tùng - Tư vấn viên - nhóm tư vấn thanh niên Thành phố Hà Nội Dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho thanh niên).

Gặp phải các tình huống tâm lý khó xử trong cuộc sống, bạn đọc có thể gửi thư về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn chúng tôi sẽ liên hệ với các chuyên gia tâm lý để chia sẻ cùng bạn.