Cử tri Tỉnh Ninh Thuận đã có kiến nghị liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận từ cuối năm 2016 nhưng đến nay các Quyết định về quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn còn hiệu lực đang ảnh hưởng nhiều đến việc ổn định sản xuất và đời sống của người dân vùng quy hoạch dự án điện hạt nhân.
Cho nên cử tri đề nghị Bộ Công Thương sớm thu hồi các Quyết định về quy hoạch các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận của Bộ như: Quyết định số 3849/QĐ-BCT; Quyết định số 3850/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 và điều chỉnh tại Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17/6/2015.
Điện hạt nhân Ninh Thuận đã phải dừng triển khai. Ảnh minh họa |
Trả lời cử tri, Bộ Công Thương cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung trên.
Bộ Công Thương cho biết: Về mặt pháp lý, Bộ Công Thương phê duyệt Quyết định điều chỉnh một số nội dung tại các Quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Theo đó, các quy hoạch nói trên được phê duyệt trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nêu cụ thể các địa điểm Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
"Do vậy, khi hủy Quyết định số 6070/QĐ-BCT, cần có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hiệu lực của Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010", Bộ Công Thương cho biết.
Tháng 7/ 2017 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương: "yêu cầu xem xét kỹ về chuyển đổi mặt bằng quy hoạch địa điểm cho các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng thuận lợi cho việc thu hồi khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia".
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét kỹ và có đề xuất cụ thể về chuyển đổi mặt bằng quy hoạch địa điểm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa có đề xuất phương án cụ thể.
Để tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian thực hiện hủy Quyết định 6070/QĐ-BCT và các quyết định liên quan đến quy hoạch địa điểm xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận đến thời điểm thích hợp, để Ban công tác liên ngành tiếp tục làm việc và xử lý các thông tin với đối tác Nga và Nhật Bản.
"Giao UBND tỉnh Ninh Thuận lập Đề án chuyển đổi mặt bằng, mục đích sử dụng đất cho các dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng cần phù hợp, thuận lợi cho việc thu hồi khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia", Bộ Công Thương đề nghị.
Mới đây, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) kiến nghị Chính phủ xem xét lại và sớm có chủ trương tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân. Tiếp tục đưa điện hạt nhân vào trong định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia mới thay thế nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và xây dựng Quy hoạch điện VIII.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 sẽ được khởi công vào năm 2020 chậm hơn 6 năm dự kiến. Sau thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản do động đất và sóng thần, dự án sau đó phải lùi địa điểm đã chọn vào đất liền sâu hơn, công trình được nâng lên để bảo đảm an toàn Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân. Đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vì lý do kinh tế. |
Lương Bằng