Mackenzie Bergin (ngồi giữa) đang dùng chiếc điện thoại nắp gập, trái ngược với những người bạn cùng lứa |
Mackenzie Bergin, 22 tuổi, “phát ốm” vì phải nhìn chằm chằm vào ihone. Cô nói với New York Post rằng Instagram là nơi nguy hiểm và cô cảm thấy mình bị “lạc” trong đó. Sinh viên trường Cao đẳng Brooklyn đã thử điều chỉnh bằng cách tải các ứng dụng quản lý thời gian, chuyển màn hình về trắng đen để cầm điện thoại ít hơn nhưng không thành. Cô quyết định chọn cách cực đoan hơn: chuyển sang điện thoại gập cổ điển, đó là chiếc Alcatel 2051.
Dù smartphone nhan nhản khắp nơi, đặc biệt với thế hệ Z, doanh số điện thoại thông minh toàn cầu vẫn giảm. Hồi tháng 2, hãng nghiên cứu thị trường Gartner cho biết doanh số giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nghiên cứu khác chỉ ra smartphone có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe như lo lắng, trầm cảm, khó ngủ. Kết hợp với mạng xã hội và quảng cáo mục tiêu, theo dõi vị trí, ta có thể hiểu vì sao một bộ phận người trẻ chuyển sang công nghệ thời “đồ đá”, cụ thể là điện thoại nắp gập.
Bergin nói về thiết bị của mình: “Nó chỉ là một cái điện thoại. Tôi không nghĩ nó muốn lấy gì đó từ tôi. Tôi không nghĩ nó cố xác định tôi cho nhà quảng cáo. Tôi không nghĩ nó có nhiều năng lực, điều đó thật tuyệt”.
Olive Churchwell, 22 tuổi, cũng chuyển sang “dumb phone” vì lý do tương tự. Công dân người New York nói rằng cô thấy chiếc smartphone của mình “kỳ quái” và “đáng sợ”. “Nó biết những thứ mà tôi không hề nói”. Cô thấy cuộc sống trở nên đơn giản hơn với chiếc điện thoại vỏ sò Pantech Breeze 4. Thay vì cuộn liên tục Facebook vào các ca làm việc buổi tối, Churchwell dành thời gian nghỉ ngơi, dùng iPod để nghe nhạc, xem YouTube trên máy tính ở nhà.
Wyatt Joslyn, 23 tuổi, còn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dùng smartphone. Anh nói rằng cố tránh xa điện thoại thông minh đến lúc nào không thể. Anh đang dùng một chiếc điện thoại gập Samsung cũ mua với giá 15 USD trên eBay. Anh có tài khoản Facebook để liên lạc với bạn bè nhưng không phải fan của mạng xã hội. Anh cũng thấy xấu hổ vì sự “cuồng” thiết bị của những người khác. “Chứng kiến mức độ mất tập trung của mọi người khi dùng smartphone làm tôi thấy tự tin hơn và thoải mái hơn khi vẫn dùng điện thoại nắp gập”.
Natalie Bell, một sinh viên 21 tuổi khác, lại có cả smartphone lẫn điện thoại nắp gập để đem theo khi ra ngoài, đơn giản vì cô thấy các gói cước dữ liệu quá đắt.
Tất nhiên, điện thoại cổ điển cũng có những nhược điểm. Churchwell và Bergin cho biết họ không có GPS khi đi đường, còn Bergin nói rằng những người lạ “sốc” vì cô nhờ họ chỉ đường. Họ còn phải đối phó với sự hoài nghi từ người khác. Song, những điều này xứng đáng đánh đổi để họ tránh được việc nghiện điện thoại.