Không cần thêm bất kỳ phần cứng tiếp xúc nào với gương mặt, các nhà nghiên cứu từ Nhóm Giao diện Tương lai của Đại học Carnegie Mellon đã chỉnh sửa một thiết bị đeo thực tế ảo để nó có thể tái tạo lại cảm giác tiếp xúc xung quanh miệng người dùng và cuối cùng có thể tái tạo lại cảm giác thực tế ảo của một nụ hôn giống như thật.
Ngoài các bộ điều khiển cầm tay thỉnh thoảng rung lên, phần lớn các thiết bị đeo thực tế ảo hiện nay đều bỏ qua các giác quan còn lại của con người, bao gồm vị giác, khứu giác, xúc giác, để chỉ tập trung vào âm thanh và hình ảnh. Chừng đó là đủ để mang tới các trải nghiệm thực tế ảo hấp dẫn hơn nhiều so với thập kỷ trước, nhưng không đủ để đánh lừa bộ não chúng ta rằng những gì chúng ta đang thấy là một trải nghiệm trong cuộc sống thật.
Nhiều năm nay các nhà nghiên cứu đã tìm cách cải thiện phần cứng thực tế ảo bằng cách bổ sung thêm các phụ kiện riêng biệt để làm cảm giác thực tế ảo trở nên sống động hơn. Nhưng chưa từng có dự án nghiên cứu nào đạt tới khả năng rung phản hồi ở miệng như Đại học Carnegie Mellon đã làm được.
Bạn có thể chưa đạt tới cảm giác chạm vào và vuốt ve bộ lông của một chú chó ảo, nhưng vẫn có thể trải nghiệm cảm giác như uống nước từ một vòi phun ảo – bên cạnh đó là các trải nghiệm không đòi hỏi quá nhiều sự tưởng tượng khác.
Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã nâng cấp thiết bị đeo thực tế ảo Meta Quest 2 với một loạt các đầu dò siêu âm được tập trung quanh vùng miệng của người dùng và nó có thể mang lại cảm giác tiếp xúc cho người dùng mà không cần các phụ kiện hoặc phần cứng đeo quanh miệng.
Trước đây, chúng ta đã từng thấy các thí nghiệm về việc dùng đầu dò sóng siêu âm để nâng hoặc dịch chuyển xung quanh các hạt siêu nhỏ khi phát ra các sóng siêu âm đủ mạnh. Tương tự như vậy đối với dự án này, khi sóng siêu âm dùng để tạo ra cảm giác chạm vào môi, răng thậm chí là lưỡi của người dùng khi miệng họ đang mở.
Nhưng còn hơn cả mô phỏng những tiếp xúc nhẹ nhàng. Bằng cách tạo ra các đợt sóng theo những mô hình cụ thể, chúng có thể tái tạo cảm giác của một vật thể trượt hoặc lướt qua môi người dùng, cũng như các rung động liên tục giống như nước từ một đài phun nước liên tục bắn lên mặt người dùng.
Các nhà nghiên cứu còn tùy chỉnh được các trải nghiệm thực tế ảo này nhằm cho thấy phần cứng rung phản hồi quanh miệng này có thể tạo ra những trải nghiệm thực tế hơn. Ví dụ khi bạn đang đi dạo qua một khu rừng ma quái, bạn có thể cảm thấy mạng nhện lướt qua mặt, hoặc khi đang trong cuộc đua nào đó, người chơi có thể cảm thấy gió tạt vào mặt mình, hoặc thậm chí mô phỏng cả trải nghiệm ăn uống khi đồ ăn và đồ uống được cảm nhận bên trong miệng của mình.
Nhưng nếu đến một lúc nào đó công nghệ tiếp xúc ảo vùng miệng này được thương mại hóa, gần như chắc chắn rằng ứng dụng đầu tiên mà mọi người nghĩ đến là những nụ hôn ảo đầu tiên trên thế giới. Có thể không chỉ giữa người với người, thậm chí còn giữa người dùng và những nhân vật ảo trong thế giới mà họ đang trải nghiệm.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc, Gizmodo)
Thực tế ảo là giải pháp cho quấy rối và lạm dụng nơi công sở?
Công nghệ mới là có thể là chìa khoá nâng cao nhận thức về nạn quấy rối, lạm dụng nơi công sở. Dù vậy, vẫn có lo ngại về hiệu quả của cách tiếp cận này cũng như tác động tiêu cực với nhóm người từng là nạn nhân.