Tuần qua, gói tổng hỗ trợ thuế cho các DN nước ngoài chịu thiệt hại trong vụ việc đáng tiếc vừa qua đã được triển khai. Trong khi đó, gần như 100% doanh nghiệp này đều đã hoạt động trở lại.

"Sâu nặng" với Việt Nam

Thứ 2 tuần trước, một băng rôn lớn trên đại lộ Thống Nhất, khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương ghi dòng chữ: "Công ty TNHH Quốc tế Chutex trân trọng kính mời toàn thể công nhân trở lại làm việc vào ngày 26/5/2014". Ở đoạn đường khác ở khu công nghiệp này có Thông báo: "Công ty Asama tạm ngưng hoạt động từ ngày 26/5 đến 31/5. Nếu có thay đổi, công ty sẽ thông báo cho tổ trưởng các bộ phận".

Đây là 2 trong số 44 doanh nghiệp không may mắn bị thiệt hại đang nỗ lực phấn đấu trở lại hoạt động bình thường. Ở 3 địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, không khí hồi phục sản xuất hiện rõ trong suốt tuần qua.

Ông Nguyễn Trường Thi, Giám đốc nhân sự và trách nhiệm xã hội, công ty TNHH quốc tế Chutex cho biết, đã có tới 90% công nhân đi làm trở lại. Khối lượng việc làm bị giảm bớt, do 1 nhà xưởng tạm ngưng hoạt động nhưng chúng tôi vẫn mời công nhân đến làm việc để đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài. Đồng thời, sớm thông báo sẽ trả 100% lương cho người lao động trong thời gian phải nghỉ việc vừa qua".

{keywords}

Bảng thông báo của công ty TNHH quốc tế Chutex

"Sau Thông báo 207 của Thủ tướng, lãnh đạo chính quyền tỉnh ở đây rất quan tâm tới doanh nghiệp ", ông Thi cho biết.

Vị đại diện này tâm tư: "Chutex đã đầu từ 13 năm ở Việt Nam, là doanh nghiệp 100% vốn Singapore, đến nay tạo dựng được cơ sở sản xuất vững chắc, có thị trường nhất định nên không dễ gì mà lãnh đạo công ty chúng tôi tính chuyện rời bỏ Việt Nam. Điều quan trọng nhất hiện nay là công ty mong muốn sớm hồi phục sản xuất để 100% lao động quay trở lại làm việc".

Ông Thi hi vọng, sau 1 tháng tới, công ty có thể ổn định sản xuất hoàn toàn và 4 tháng nữa, có thể xây dựng lại nhà xưởng đã bị cháy.

Tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, Công ty TNHH Formosa - nhà đầu tư Đài Loan cũng bị ảnh hưởng, công ty có 2.700 người lao động. Nhưng chỉ sau 3 ngày xảy ra vụ việc, toàn bộ số lao động này đã đi làm bình thường trở lại.

Ông Vương Nghĩa Bình, kế toán trưởng công ty, cho biết, sau khi có các hướng dẫn về hỗ trợ của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, hiện công ty đã tính toán để đưa ra các kiến nghị đề xuất hỗ trợ phù hợp, ví dụ như việc giảm thuế, gia hạn thuế. Tính đến nay, hầu như các hư hỏng đã được khắc phục.

Sau vụ việc đáng tiếc xảy ra, cộng đồng các DN nước ngoài đều chỉ hướng tới một điều duy nhất, đó là mau chóng trở lại guồng quay của sản xuất và cam kết gắn bó lâu dài với Việt Nam.

Hỗ trợ nhanh nhất có thể

Không dễ gì để lấy được niềm tin mạnh mẽ như vậy của chính những DN sau những thiệt hại vừa qua. Đúng như cam kết của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, suốt 10 ngày qua, liên tục các đoàn công tác của ngành thuế, kế hoạch đầu tư, bảo hiểm xã hội... từ các cấp Trung ương tới địa phương đã trực tiếp tới động viên, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhanh nhất có thể. Trong đó, vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống doanh nghiệp là tài chính, thuế... được đẩy nhanh hàng đầu.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, các cán bộ thuế tại đây đều làm việc cả ngày thứ 7 để hỗ trợ các thủ tục cần thiết mà DN cần. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp bị cháy hết tài liệu, có nhu cầu cần khôi phục lại dữ liệu thuế, như các hoá đơn, bảng kê, chứng từ..., doanh nghiệp có thể gửi công văn là cục có thể hỗ trợ được. Riêng những dữ liệu trước đây đã được DN nộp trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, đã có bản lưu ở Cục Thuế, chúng tôi có thể in ra, cung cấp ngay trong ngày".

Ông Ngàn đang tính toán, những DN bị thiệt hại nặng có thể miễn giảm trong 1 năm tiền thuế, những DN bị thiệt hại nhẹ, như bị hư hỏng cổng, rào... thì miễn giảm trong 6 tháng. Những DN chịu thiệt hại lớn đã được bảo hiểm bồi thường, không được đưa vào chi phí tính thuế thu nhập DN thì có được miễn giảm tiền thuê đất không.

Ông Huỳnh Đình Trí, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, Cục thuế đã sớm thành lập ngay một đầu mối thông tin để xác nhận doanh nghiệp thuộc đối tượng gia hạn thuế, giảm thuế. Trước mắt, chúng tôi phối hợp với các cơ quan tài chính, so sánh, đối chiếu với sổ cách chứng từ thuế để xác định thiệt hại, từ đó, đưa ra các hướng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong suốt tuần qua, các cán bộ thuế của tỉnh này đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và nguyện vọng của từng doanh nghiệp.

Bà Trần Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM chia sẻ: "Doanh nghiệp cũng rất băn khoăn về việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, xác định chi phí đối với phần bị tài sản, vật tư, hàng hoá bị thiệt hại. Chúng tôi đã có văn bản gửi tới từng doanh nghiệp giải thích cặn kẽ để họ yên tâm trong vấn đề này".

Cục Thuế TP.HCM đến nay đã phân loại doanh nghiệp bị thiệt hại, doanh nghiệp nào thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ đưa vào danh sách ưu tiên hoàn trước nhằm giúp cho doanh nghiệp có vốn tập trung vào hoạt động sản xuất. Một số doanh nghiệp có nợ thuế hoặc chậm nộp hồ sơ thuế đều đã được khoanh lại, không bị phạt.

Thuế chỉ là một trong nhiều vấn đề mà các địa phương đã phải rốt ráo hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với tốc độ triển khai hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh chóng và cụ thể, chắc chắn rằng, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài sẽ hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam là điểm đến thân thiện và đầy tin cậy.

Phạm Huyền