Để trở thành công dân tốt (Being a good citizen)
Làm thế nào để trở thành công dân tốt là một trong những phần chính của môn Khoa học xã hội và nhân văn, thường dạy vào dịp nửa đầu năm học lớp mẫu giáo đến lớp 2.
Nội dung tựa như môn Giáo dục công dân vậy, các em sẽ học về việc phải ngoan, lễ phép, tuân thủ nội quy trường, lớp, luật lệ nói chung. Ở nhà thì giúp bố mẹ, hàng xóm, cộng đồng.
Khi dạy, có rất nhiều cách khác nhau để đi sâu vào chủ đề: Đọc sách cho các em về chủ đề này, xem video, cùng nói chuyện để làm một poster hay anchor chart về những ý kiến của các em, hỏi xem các em hiểu thế nào về công dân tốt. Hoặc các em kể chuyện về chính những việc mình làm hoặc chứng kiến.
Thường các em và tôi đi đến thống nhất danh mục cơ bản sau: Tuân theo nội quy; Giúp đỡ người khác; Biết cách bảo vệ môi trường và sống thân thiện với thiên nhiên như biết tái chế; Lễ phép, tôn trọng người khác; Là học sinh ngoan.
Ví dụ, ở đây các em rất thân thiện với người làm bảo vệ hay lao công, biết tên của tất cả các bác. Nhiều em nhớ tên của bác lao công chứ không nhớ tên cô hiệu trưởng.
Mọi người nhận được sự kính trọng như nhau bất kể làm gì trong trường, vì trường học cũng là một cộng đồng. Và về sau, dù làm ở công ty lớn đến đâu, các em cũng có sự kính trọng như thế với mọi người.
Trong năm học, có nhiều dịp thầy cô để các em viết thư cảm ơn, làm thiệp, tặng quà cho những người làm bảo vệ hay lao công, như dịp Lễ Tạ ơn, hay Giáng sinh.
Sherry - cô bé từng khóc vì vượt đèn vàng |
Trong ảnh là một học sinh lớp 2 của tôi đóng giả cô bé quàng khăn đỏ trong ngày hội đọc sách của trường. Cô bé là ví dụ tiêu biểu cho học sinh xuất sắc toàn diện: Học rất giỏi, ngoan, luôn giúp đỡ bạn bè thầy cô.
Tôi xin kể thêm mẩu chuyện nhỏ sau liên quan đến cô bé: Một hôm, tôi xuống đón lớp đang xếp hàng ở dưới đi lên gác, thấy cô bé khóc nức nở không rõ vì sao. Hỏi các bạn xung quanh cũng không ai biết. Tôi gặng hỏi mãi, hóa ra lúc sáng đi bộ đi học, cô bé đã trót sang đường lúc đèn đã vàng. Cô bé bị lỡ đèn xanh chút xíu chỉ vì đuổi theo quả bóng bị tuột khỏi tay. Mà hôm qua cô giáo (chính là tôi) dạy là không được đi lúc đèn vàng, đèn vàng là phải chuẩn bị dừng lại, chỉ đi khi đèn xanh.
Tôi phải an ủi mãi cô bé mới nín, và tôi khẳng định với cô bé, để xảy ra một sự việc như thế không có nghĩa là em không còn là một công dân tốt.
Tôi nhớ mãi câu chuyện đó. Có lẽ đấy chính là cảm giác thành công trong nghề giáo, chứ không phải điểm số hay thứ hạng của học sinh.
Đi làm từ bé (Jobs in class)
Đầu năm học là lúc thầy cô lo nhiều thứ cho lớp học của mình, nhất là khoản trang trí, sắp xếp, tổ chức lớp. Ở khối lớp tiểu học (nhất là lớp 2-3 trở xuống) bao giờ cũng có góc nhỏ trong lớp cho phần giao nhiệm vụ cho các em. Mỗi ngày có khoảng 6-8 bạn có những nhiệm vụ nhất định.
Thường là những nhiệm vụ hay việc sau: Phát giấy, bài kiểm tra, thu bài; Đưa giấy tờ lên văn phòng, liên lạc và chuyển tin cho cô; Bật tắt đèn; Đóng mở cửa; Gọt bút chì cho các bạn; Giúp cô dọn, phân loại sách; Đứng đầu hàng khi cả lớp xếp hàng ra sân hay ra phòng ăn trưa.
Tùy từng thầy cô và lớp mà các việc sẽ nhiều hay ít. Cũng tùy chủ đề của từng lớp mà góc phân việc này được trang trí thế nào, có thể để tên các em hay đánh số (thầy cô ở Mỹ thường đánh số học sinh cho dễ quản lý lúc xếp hàng, lúc thu bài, để dán nhãn mác lên vở...).
Khi được giao việc, các em rất thích, rất có trách nhiệm.
Có chuyện vui thế này: Có cô giáo nhiều khi chẳng có giấy tờ gì quan trọng nhưng vẫn bảo bạn chuyên đưa giấy tờ đưa thư tới lui cho một cô giáo khác cùng khối. Trong tờ thư chẳng có chữ nào!
Ngoài rèn cho các em tinh thần trách nhiệm, rèn khả năng quan sát và tập trung, tạo cơ hội giao tiếp (cả với bạn đồng lứa và người lớn, thầy cô trong trường), giao việc như vậy còn làm cho các em thấy mình quan trọng và có ích.
Danh sách những công việc trong lớp |
Giao việc đặc biệt rèn cho các em tính kỷ luật. Trong ngày học đó, nếu bạn được giao việc nhưng lại hư hay vi phạm nội quy lớp như nói chuyện, không làm bài... thì sẽ bị mất việc ngay. Thầy cô giao việc đó cho bạn khác. Chính điều này tạo nên không khí thi đua trong lớp vì không ai muốn bị mất việc.
Những việc các em thích nhất là phát giấy, bài kiểm tra và đứng đầu hàng vì việc nhiều, bận rộn, lại oai nữa. Các em thích đến mức nhiều khi hôm đó không được giao việc nhưng ngay từ đầu giờ sáng đã hỏi sẵn cô, “Nếu Reagan hư bị chuyển tên/số sang màu vàng thì cô cho em làm người đứng đầu hàng được không ạ?”, “Nếu Dylan hư bị chuyển tên/số sang màu vàng thì cô cho em làm người phát giấy được không ạ?”…
Chống nạn bắt nạt học đường (AntiBullying) Có rất nhiều cách khác nhau để chống nạn bắt nạt học đường. Ở Mỹ, bất cứ trường học nào, cấp học nào đều có những hoạt động khác nhau như tổ chức hội họp toàn trường, biểu diễn, phát động các cuộc thi và chiến dịch bài trừ vấn nạn này, lập hội nhóm tư vấn, giúp đỡ, kết hợp với các tổ chức hội đoàn trong và ngoài nhà trường...
Các em lớp bé thì thường được giáo dục từ nhỏ thông qua luật/quy định của lớp, của trường. Và nhất là tham dự những buổi hội họp nói về chống bắt nạt. Thường trong những buổi hội họp này có tiết mục biểu diễn múa rối, hát, diễn kịch, đọc thơ, giải thích cho các em các dạng bắt nạt khác nhau, cũng như dạy các em làm thế nào để ngăn chặn kẻ bắt nạt. Những cách sau sẽ góp phần ngưng hành động của kẻ bắt nạt: Đưa ra ánh sáng: vạch mặt kẻ gây ra hành động bắt nạt, như nói thẳng cho họ biết... Nói về việc mình bị bắt nạt: ngay khi cảm thấy mình bị bắt nạt, các em cần phải nói ngay với ai đó, bạn bè hay thầy cô giáo hay anh chị em, hoặc bố mẹ... Nói cho người lớn biết: người lớn sẽ giúp các em giải quyết trước khi sự việc đi quá xa. Các em được học những điều sau để cùng ngăn chặn hành vi bắt nạt: cảm thông và quan tâm đến cảm xúc của người khác; tự trọng đối với bản thân mình và tôn trọng người khác. Lòng tự trọng như con đường hai chiều, hay như lúc hai người cúi đầu chào, bắt tay nhau trước khi đấu võ; Dung thứ, coi sự khác biệt không phải là cái sai, đơn giản chỉ là khác biệt; Dũng cảm, gan dạ, vẫn làm những việc đúng đắn, chính trực, ngay cả khi mình thấy sợ phải làm điều đó; dám đối mặt với những tình huống nguy khó. Ngoài những cách trên để tự bảo vệ mình và bảo vệ bạn bè mình, thì luôn nhớ điều sau: Hãy luôn trở thành người phản ứng lại hành động bắt nạt, chứ đừng thành người chứng kiến mà không hành động! |
Bài viết được trích trong cuốn Học kiểu Mỹ tại nhà của Thạc sĩ giáo dục Đinh Thu Hồng. Chị Đinh Thu Hồng hiện định cư và làm giáo viên tại Mỹ. Cuối năm 2015, chị đã lập page Học kiểu Mỹ tại nhà, với mong mỏi chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm, phương pháp của một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới tới các phụ huynh 4.0 của Việt Nam. Cuốn Học kiểu Mỹ tại nhà là tập hợp tương đối đầy đủ, hệ thống về các mảng của giáo dục tiểu học Hoa Kỳ. Mỗi mảng đều có giải thích cặn kẽ kèm ví dụ minh họa sinh động cũng như nguồn tài liệu dồi dào để giáo viên, phụ huynh có thể đồng hành cùng con em mình. Cuốn sách cũng mang đến cho độc giả cái nhìn trực quan về nhiều vấn đề khác nhau trong giáo dục tại nhà và ở trường. |
Đinh Thu Hồng