Tháng 3/2015, Công ty cổ phần VNG chính thức trở thành startup "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị 1 tỷ USD sau khoản đầu tư của GIC - quỹ đầu tư của chính phủ Singapore.
Sau 4 năm, giá trị của VNG đã tăng gấp đôi lên trên 2 tỷ USD nhờ khoản đầu tư của Temasek Holdings, một nhánh đầu tư khác cũng của chính phủ Singapore. Đây là mức định giá rất cao - FPT hiện có vốn hóa chỉ 1,2 tỷ USD - trong bối cảnh doanh thu của VNG đang chững lại và lợi nhuận năm 2018 sụt giảm sâu so với năm 2017.
Hiện tại, VNG đang kinh doanh nhiều dịch vụ như game online, quảng cáo trực tuyến, ứng dụng Zalo, thanh toán Zalo Pay... VNG cũng là một trong những cổ đông chủ chốt của trang thương mại điện tử Tiki.
Với mức định giá 51.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD), giá trị của VNG tương đương với Novaland Group, VPBank; cao hơn 40% so với Thế giới Di động và gần gấp đôi FPT.
Với lượng cổ phiếu quỹ mua lại từ VNG cũng như từ các nhà đầu tư khác, hiện Temasek thông qua pháp nhân Seletar Investments đang nắm giữ 1,74 triệu cổ phiếu, tương đương 5,04% vốn điều lệ và lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG.
Theo danh sách cổ đông ngoại cập nhật đến ngày 25/3, VNG có 8 cổ đông nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 16,9 triệu cổ phiếu, tương đương 48,89% vốn điều lệ.
Nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 49% vốn điều lệ của VNG
Bên cạnh Seletar Investments thuộc Temasek mới xuất hiện, VNG còn 4 cổ đông tổ chức ngoài khác gồm: GS Treasure S.a.r.l, Gamvest Pte Ltd, Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited đang nắm tổng cộng 43,85% vốn.
Theo thông tin chúng tôi có được, GS Treasure S.a.r.l là một đơn vị đầu tư trực thuộc Goldman Sachs còn Gamvest Pte Ltd là đơn vị đầu tư trực thuộc quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore.
Hai tổ chức Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited cùng có địa chỉ đăng ký tại P.O. Box 957, Offshore Incorporations Centre, Road Town, Tortola, British Virgin Islands.
Tenacious Bulldog Holdings Limited hiện là cổ đông ngoại lớn nhất của VNG với tỷ lệ nắm giữ là 23% vốn điều lệ. So với danh sách cổ đông ngoại được công bố vào tháng 9/2018 thì Prosperous Prince Enterprises Limited đã mua thêm 2,3% vốn điều lệ của VNG để nâng sở hữu lên 7,8% vốn. Nhiều khả năng 2 tổ chức này là những công ty con hoặc có liên quan đến Tencent - công ty dịch vụ internet lớn nhất châu Á.
Tencent được cho là đầu tư vào VNG từ năm 2010 nhưng cả 2 bên đều chưa hề chính thức xác nhận công khai thông tin này dù cho một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của Tencent là ông Martin Lau đã tham gia Hội đồng quản trị của VNG từ lâu. Ông Martin Lau là Chủ tịch điều hành (president) của Tencent và đứng thứ 1070 trong danh sách tỷ phú của Forbes với khối tài sản 1,9 tỷ USD.
Ông Shen Hao - người từng giữ vị trí Giám đốc M&A của Tencent và hiện là CFO của VNG đã bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu tương đương 1,7% vốn điều lệ của VNG.
Tính đến 25/3, VNG chỉ có 3 cổ đông cá nhân nước ngoài gồm bà Julie Thien Nga Lam (sở hữu 1,4%) cùng ông Thomas Loc Heron và Liu Christopher nắm giữ lượng nhỏ cổ phiếu. Bà Julie Thien Nga Lam là vợ của ông Don Lam, tổng giám đốc công ty quản lý quỹ VinaCapital.
Về phía các cổ đông trong nước, không có thông tin mới nào được cập nhật từ cuối năm 2017 đến nay. Theo ước tính của chúng tôi, CEO Lê Hồng Minh đang nắm giữ khoảng 14,9% vốn điều lệ và Phó Tổng giám đốc Vương Quang Khải sở hữu khoảng 1,2%.
[Các] công ty con của VNG cũng đang nắm giữ 8,3% vốn điều lệ của công ty mẹ bên cạnh 20,6% vốn điều lệ được chính VNG mua lại làm cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu do công ty con nắm giữ được coi như cổ phiếu quỹ khi lập báo cáo hợp nhất nhưng vẫn được coi là cổ phiếu đang lưu hành và có các quyền như của cổ đông thông thường như bỏ phiếu hay nhận cổ tức.
Mặc dù chỉ nắm giữ xấp xỉ 49% vốn điều lệ nhưng tính trên lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (trừ đi cổ phiếu quỹ), nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ gần 62% quyền biểu quyết của VNG.