Nhớ về lần hóa thân vào vai Bác Hồ trên sân khấu Liên hoan thơ châu Á
–Thái Bình Dương, NS Văn Tân đã rất xúc động khi được một khán giả tặng
kẹo vì vào vai Bác quá đạt.
Nghệ sĩ Văn Tân tên thật là Nguyễn Văn Tân, sinh ngày 10/8/1943 tại Bắc Giang. Ông nguyên là phó trưởng đoàn Kịch nói Hà Bắc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật tình Bắc Giang, nguyên Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Chèo tỉnh Bắc Giang. Gần đây, ông được Trung tâm sách Kỷ lục VN ghi nhận là người có nhiều lượt thể hiện vai Bác Hồ nhất.
NS Văn Tân
- Cùng thời với ông, đã có nhiều nghệ sĩ thành công với việc đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu. Vậy điểm khác biệt giữa hình tượng Bác của ông và các nghệ sĩ đó là gì?
- Cùng thời với tôi có những nghệ sĩ ở nhiều thể loại sân khấu như Sĩ Hùng, Đức Trung, Tiến Thọ, Tiến Hợi… đã đảm nhận vai diễn Bác Hồ trên sân khấu. Mỗi nghệ sĩ thường chọn thể hiện một giai đoạn trong đời Bác, mà đa phần là thời còn trẻ. Riêng tôi, chỉ tập trung vào giai đoạn Bác khỏe, đẹp nhất là những năm từ 71 đến 75 tuổi. Đó cũng là hình ảnh đi vào tâm trí con dân đất Việt với những tấm hình thường được mọi người treo trang trọng tại gia đình. Đó là tấm ảnh Bác râu tóc bạc phơ, hồng hào, thần thái đẹp tựa tiên ông.
- Cơ duyên đưa ông tới với việc chuyên tâm thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sàn diễn?
Năm 1971, nhà thơ Tố Hữu có mong muốn đưa hình tượng Bác lên phim, lên sân khấu. Tôi đã âm thầm cố gắng tìm hiểu để thực hiện. Lần đầu tiên là vào năm 1974, tôi mạnh dạn đạo diễn hoạt cảnh Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ thủ đô và tự mình đóng vai Bác thì được nhiều người ngợi khen. Tôi cứ nhớ mãi khi hóa trang xong, cô Quang của đoàn cứ khóc vì xúc động. Rồi các lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các hội Văn học nghệ thuật cũng khen ngợi.
- Góp phần không nhỏ trong thành công khi đóng vai các nhân vật có tầm vóc lịch sử phải là khâu hóa trang. Ông có thể cho biết, quá trình ông hóa trang để vào vai Bác Hồ sao cho mọi người dân đều hài lòng vì như thấy Bác kính yêu đang hiển hiện trên sàn diễn?
Những buổi đầu tiên, tôi tự mình hóa trang với nhiều vật liệu tự chế. Thời kỳ đầu, tôi tự khắc phục bằng cách ngâm dây đay, cây dứa bà ngâm rữa đi để tết râu, tóc. Khi đó, tôi mới hơn 30 tuổi nên nét mặt cũng phải tập để phù hợp với râu tóc bạc trắng như cước. Sau đó, có sự hướng dẫn của các chuyên gia về hóa trang như Nhữ Đình Nguyên, Bích Nguyệt… dạy cho từng chi tiết trong nghệ thuật hóa trang.
Ví dụ như cách đắp trán, đắp mũi, đắp tai… sao cho giống và sống động. Tôi thành công là nhờ sự học hỏi từ mọi người, từ các thầy giỏi và quá trình tự nghiên cứu, nghiền ngẫm của mình. Tôi nghe rất kỹ các băng phát biểu của Bác, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của người qua các tư liệu, băng hình cũng như nghe ý kiến của những người từng được tiếp xúc với Bác. Cứ thế, tôi ngấm dần và ngày càng thêm yêu mến, kính phục Bác để tự rèn luyện, thể hiện sao cho đúng với tầm vóc của Người.
NS Văn Tân hóa thân vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Với nhiều nghệ sĩ, thường họ không thể nhớ được chính xác số lần thể hiện vai diễn. Làm cách nào để ông có thể ghi nhớ, có bằng chứng thuyết phục để được công nhận kỷ lục số lần thể hiện vai Bác Hồ?
Tôi đã có thói quen ghi rõ mỗi lần thể hiện vai Bác Hồ đều tự ghi vào sổ cẩn thận. Bắt đầu từ 1/1/1974 đến 12/1 âm lịch, Tết Ất Mùi vừa qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT đã mời tôi diễn hoạt cảnh Bác Hồ với văn nghệ sĩ ở Liên hoan thơ châu Á –Thái Bình Dương diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi diễn, tôi đã cố gắng để trau dồi kỹ năng phát âm để có thể nói câu thoại chủ chốt của trích đoạn bằng tiếng Anh.
Các học giả tham gia đã rất xúc động, vỗ tay rất lâu. Khi bước xuống, có nữ nhà thơ tiến lại gần, tôi lại lấy trong túi ra vài chiếc kẹo để tặng. Có thể nói, với lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các khán giả đã yêu mến vai diễn của tôi. Lần nào tôi cũng được vỗ tay ngợi khen. Gần đây, khi kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, đã có một số trường nhờ tôi thể hiện hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Con số về lượt biểu diễn vai Bác Hồ của tôi không ngừng tăng lên.
- Xin cảm ơn ông!
Cao Ngọc