"Một đồng chí ở doanh nghiệp còn nói phần các anh biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nó còn khủng khiếp hơn rất nhiều, khi nói lại vụ Dương Chí Dũng. Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu khi Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và phòng chống tham nhũng năm 2013.

Lòng tin thế nào khi nhiều tập đoàn lớn đều trốn thuế và sai phạm, tiền vốn của nhà nước, tiền thuế của nhân dân giao vào tay các vị các vị cho như đó là mớ giấy tiêu quá đơn giản như vậy, ông Dũng đặt câu hỏi.

Đằng sau những vụ việc đã và đang gây bức xúc dư luận, rất rõ, là nỗi lo về sự an dân. Và bên cạnh pháp luật chưa nghiêm, nguyên nhân từ thể chế cũng đã được đề cập.

Phó chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng băn khoăn, không biết có phải do kinh tế khủng hoảng, cùng đường sinh thủy họa đạo tặc hay không mà tội phạm lại nổi lên như vậy?

Nhận xét về các báo cáo liên quan đến phòng chống tội phạm và tham nhũng, ông Dũng nhìn nhận, dù chưa bao giờ làm mạnh như vậy, nhưng cũng chưa bao giờ lòng dân bất an như thế này. 

{keywords}

Ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Ông Dũng đã bị khởi tố và bắt giữ vì có hành vi tham nhũng.

"Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm, kẻ cướp mà thậm chí giờ nó còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, lột tài sản, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở, đến những nơi trang nghiêm như trường học, bệnh viện... đều có tội phạm cả", ông Dũng sốt ruột.

Vị đại biểu này cũng tỏ rõ sự lo lắng trước tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, nhiều trang web của cơ quan nhà nước cũng bị tấn công, xâm chiếm tên miền.

"Việc phòng chống này chúng ta làm chưa tốt. Việc nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo các cấp ở các cấp, cơ quan, ban ngành như chuyện chè thuốc hàng ngày", ông Dũng phát biểu.

Bên cạnh đó, tội phạm kinh tế và tham nhũng, theo ông Dũng thì đều "khủng khiếp quá". Chạm vào chỗ nào là có sai sót chỗ đó. 

Đề cập đến các sai phạm ở nhiều tập đoàn lớn, vị đại biểu này cho rằng có nguyên nhân từ luật pháp chưa nghiêm nên tiêu tiền do dân đóng thuế quá đơn giản. Nếu đó là tiền mồ hôi xương máu, tiền cày ruộng, tiền chắt bóp từng bài viết thì không bao giờ dễ dãi như vậy. 

Phản ánh tâm trạng cử tri trước tình trạng tham nhũng, ông Dũng quả quyết, nếu không làm quyết liệt 6 vụ án lớn vào cuối năm nay sẽ làm xói mòn niềm tin với cả chế và tội phạm sẽ tiếp tục có đất hoành hành hơn nữa.

Cũng phân tích ở góc độ niềm tin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nhận xét, việc thanh niên đi ăn trộm chó ở địa phương nào bị phát hiện người dân cũng không báo chính quyền mà đốt xe, đánh đập gây hậu quả lớn, đó là biểu hiện mất niềm tin. 

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) việc phát hiện xử lý tham nhũng chưa tương xứng hành vi tham nhũng đang diễn ra, thu hồi tài sản đạt tỷ lệ rất thấp làm giảm niềm tin của nhân dân về phòng chống tham nhũng. 

Dường như thanh tra nội bộ thì không phát hiện trường hợp tham nhũng nào cả. Tâm lý chung là rất ít phát hiện tham nhũng trong cơ quan đơn vị mình. Tôi đi giám sát có tỉnh 2 năm rưỡi chỉ phát hiện được có một vụ tham nhũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói.

Sốt ruột về tình trạng tham nhũng là tâm trạng chung của đa số đại biểu. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng tham nhũng chưa giảm có nguyên nhân từ người đứng đầu chưa quyết liệt và cả từ thể chế kinh tế còn nhiều kẽ hở.

Nếu không giải quyết tốt khâu thể chế , kéo dài mãi tình trạng địa phương đi xin còn cho là thẩm quyền của Trung ương thì còn nhiều cửa tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình sốt ruột.

Đề cập đến nguyên nhân về trách nhiệm trong phòng chống tội phạm, lấy vụ việc tại trung tâm thẩm mỹ Cát Tường làm ví dụ, ông Quyền cho rằng chẳng có gì khó trong việc quy trách nhiệm. 

"Ở đây là trách nhiệm quản lý nhà nước. Sở Y tế trong từng ấy năm, đã thanh tra, kiểm tra chưa? Nếu làm rồi thì đã phát hiện, xử lý vụ việc nào chưa? Chứ không phải đợi đến vụ việc Cát Tường rồi thì mới bắt đầu tổng rà soát. Quản lý nhà nước là trách nhiệm hàng ngày, hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, chứ không phải làm theo phong trào như vậy", ông Quyền gay gắt.

Theo đại biểu Quyền, quản lý nhà nước phải chặt chẽ, khi xảy ra một việc là có địa chỉ trách nhiệm luôn, không phải trách nhiệm chung chung, trách nhiệm không khí, rồi người có trách nhiệm thì cứ ngồi yên vị ở vị trí công tác đó mãi.

Theo Nguyễn Lê/ VnEconomy