Tình trạng buôn lậu vàng qua đường hàng không ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi... Đặc biệt, bản thân một số nhân viên làm trong ngành hàng không lại chính là đối tượng tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia vận chuyển, buôn lậu vàng.


Thủ đoạn tinh vi, táo tợn

Theo các chuyên gia, để giúp hoạt động dễ dàng, dân buôn lậu thường nhờ sự trợ giúp của tay trong - tức là nhân viên của các hãng hàng không hoặc nhân viên sân bay - để đưa vàng ra khỏi khu vực sân bay. Do những người này ít bị nghi ngờ, lại được tiếp cận các khu vực trên máy bay, sân bay dễ dàng nên họ có điều kiện tham gia các nhóm buôn lậu vàng.

Thủ đoạn trong những vụ việc mà nhân viên hàng không sử dụng để vận chuyển vàng lậu rất muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, đa số họ giấu "hàng" ở những chỗ riêng tư và "cải trang" chúng thành những đồ vật bình thường hoặc thực phẩm.

{keywords}

Số vàng buôn lậu bị tịch thu

Vụ việc vợ chồng nữ tiếp viên Hoàng Thị Ngọc Anh (SN 1982) và Nguyễn Ngọc Sang (SN 1986) vận chuyển trái phép 80 cây vàng sang Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói, để mang được toàn bộ số vàng trên lên máy bay trót lọt, vợ chồng Ngọc Anh đã nhận được sự trợ giúp của một nhân viên an ninh mặt đất, thuộc Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO). Người này là Phạm Duy Nhuận (36 tuổi, công nhân kỹ thuật sửa chữa máy bay).

Bước đầu các đối tượng khai nhận: do Nhuận là thợ sửa máy nên có thể ra vào máy bay bằng lối đi nội bộ mà không bị kiểm soát an ninh. Sau khi lên máy bay, Nhuận bí mật giấu bọc vàng có gắn nam châm vào thanh sắt dưới ghế ngồi của Sang. Toàn bộ số vàng này được nguỵ trang trong một gói ni lông, bên ngoài quấn kín chặt bằng băng dính đen. Khi máy bay đang khởi động động cơ, Sang chuẩn bị tháo gỡ số vàng dưới ghế thì bị các trinh sát phục sẵn bắt quả tang.

Không chỉ giấu vàng tại ghế ngồi của máy bay, phi công còn buộc vàng vào chân và giấu trong giày. Điển hình là vụ việc ngày 10/3/2015, sau khi thực hiện chuyến bay từ Hà Nội đến Busan (Hàn Quốc), khi qua hệ thống dò kim loại tại sân bay quốc tế Gimhae, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (số bằng lái 29836) và nam tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị cơ quan chức năng nước này tạm giữ vì phát hiện giấu 6kg vàng (6 thỏi vàng, mỗi thỏi vàng là 1 kg) dưới đế giày.

Nhưng tại sao phi công và tiếp viên có thể “qua mặt” anh ninh vận chuyển 6kg vàng từ Nội Bài đến sân bay Gimhae mới bị phát hiện.

Một lãnh đạo của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khi trả lời báo giới đã cho biết, số lượng vàng 6 kg bị phát hiện có thể xuất phát từ các nguồn khác nhau. Theo ông, có 3 khả năng xảy ra: một là vàng lậu lọt qua cửa soi chiếu ở Nội Bài; hai là không qua cửa soi chiếu rồi lên được máy bay; ba là cơ trưởng, tiếp viên nhận vàng ở Hàn Quốc và khi qua khâu kiểm tra an ninh thì bị phát hiện.

{keywords}

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về sự việc.

Nhiều tiếp viên còn ngang nhiên để vàng ở trong hành lý xách tay của mình. Nổi bật là vụ việc vào giữa tháng 11/2009, khi chuyến bay hành trình Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội chuẩn bị cất cánh, lực lượng hải quan sân bay Incheon phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên có 20 lượng vàng.

Một số người cũng sử dụng túi giấy trên máy bay để cất giấu vàng. Điển hình là cuối năm 2009, chuyến bay từ Hồng Kông về Hà Nội được nhân viên mặt đất phát hiện có 6,4 kg vàng đựng trong túi giấy đặt dưới ghế của lái phụ. Hay vụ vận chuyển hàng lậu bị phát hiện vào sáng 16/5/2002, trên chuyến bay từ Dubai về Hà Nội. Khoảng 7kg vàng cùng gần 400 điện thoại di động được giấu trong túi đựng đồ ăn thừa.

Phi công tiếp viên: Lương cao vẫn buôn lậu

Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là vì sao trong loại hình vận tải có độ an toàn cao và được kiểm soát chặt chẽ nhất là hàng không, các thủ đoạn gian lận vẫn có đất sống?

Mỗi vụ việc được phát giác, đặc biệt là khi có liên quan đến nhân viên của ngành hành không, dư luận lại đặt câu hỏi: Phải chăng công tác an ninh sân bay lỏng lẻo, có sự xin cho đối với người trong nhà nên phi công, tiếp viên mới có thể mang hàng cấm lên máy bay (!?).

{keywords}

Với nhiều người, tiếp viên là nghề đáng mơ ước.

Thực tế, các hãng bay trong nước đã ban hành những quy định ngặt nghèo để hạn chế tình trạng nhân viên hàng không buôn lậu. Chẳng hạn, ngoài những quy định về nghiệp vụ và đạo đức đã ban hành, hãng hàng không còn yêu cầu 100% phi công, tiếp viên ký cam kết không buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu; mức độ kỷ luật đối với cá nhân vi phạm cũng rất nặng (cho nghỉ việc hoặc đình bay cả năm, thiệt hại cả tỷ đồng thu nhập).

Tuy nhiên, nhiều phi công, tiếp viên cho dù lương khá cao vẫn không “kiềm chế” được trước sức hút của đồng tiền đã lợi dụng đặc thù nghề nghiệp để buôn lậu. Siêu lợi nhuận từ hàng "xách tay" chính là lý do khiến nhiều phi công, tiếp viên hàng không tiếp tay hoặc tham gia trực tiếp vận chuyển hàng lậu.

Những "hàng hóa" mà các phi công, tiếp viên hàng không vận chuyển trái phép thường là những thứ giá trị như vàng, thời trang hàng hiệu, đồ điện tử, kim loại quý, thuốc lá, thậm chí là ma túy. Sau những phi vụ trót lọt, các khoản lợi nhuận và hoa hồng mà họ nhận sẽ đủ lớn để họ tiêu xài xa xỉ.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)