Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ GTVT vừa thống nhất phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đây sẽ là tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế 250 km/h, tốc độ khai thác 180-225 km/h, thời gian thực hiện từ năm 2025 đến 2041.

Liên danh tư vấn thẩm tra đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đánh giá phương án đường sắt hỗn hợp khách - hàng, tốc độ khai thác 225 km/h với khoảng cách giữa các đoàn tàu 7,5 phút thì sẽ khai thác 270 đôi tàu mỗi ngày. 

Khi đó năng lực vận tải cao nhất đạt 163 triệu hành khách, 65 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đáp ứng mục tiêu vận tải khối lượng lớn trên trục Bắc Nam trong tương lai, thậm chí cao hơn quy hoạch là đường sắt vận chuyển 11,7 triệu tấn hàng hóa đến 2050.

Ông Hồ Anh Cương, Trưởng bộ môn công trình giao thông công chính và Môi trường, Khoa công trình (Trường ĐH giao thông vận tải) cho rằng, phương án đơn vị thẩm tra đưa ra đường sắt tốc độ cao Bắc Nam kết hợp chở khách với chở hàng chạy tốc độ 250 km/h hợp lý hơn phương án chỉ chở khách chạy với tốc độ hơn 350 km/h được Bộ GTVT đưa ra trước đây.

Tàu đường sắt cao tốc chở khách chạy tốc độ trên 200 km/h tại Đức. Ảnh: Vũ Điệp.

Theo ông Cương, đầu tư hạ tầng giao thông đường sắt tốc độ cao không thể đi tắt đón đầu vì đầu tư lớn, trình độ cao, phạm vi triển khai rộng lớn. Trong khi nước ta còn nghèo, vốn đầu tư hạn hẹp, trình độ phát triển đường sắt tốc độ cao chưa có, nếu chỉ đầu tư đường sắt tốc độ 350km/h để chở khách sẽ là duy ý chí, thiếu thực tế và không có cơ sở khoa học.

Ông Cương thông tin thêm, trên thế giới mà điển hình là nước Mỹ đều dùng vận tải đường sắt tốc độ 200 km/h để chở khách và chở hàng với khối lượng vận chuyển cực lớn vừa an toàn vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường... 

Trong khi ở nước ta hiện nay vận tải đường bộ đang chiếm tới 95% hàng hoá, đường sắt chưa tới 1%. Do vậy, khi có đường sắt tốc độ cao chở hàng và làm tốt kết nối sẽ góp phần làm tăng thị phần vận tải hàng hoá bằng đường sắt lên 7-10% thậm chí 20%. Việc này sẽ giúp giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và đặc biệt là giảm chi phí logistic xuống còn một nửa so với hiện nay.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, việc quy định tốc độ 250km/h là phù hợp với cung đường bố trí nhiều ga. Bởi nếu tốc độ trên 300 km/h sẽ lãng phí do tàu vừa tăng tốc độ lại phải giảm để đến nhà ga. 

Hơn nữa, việc bố trí nhiều ga với tốc độ chạy tàu 250 km/h cứ khoảng 50 -60km tàu dừng thì khả năng người dân tiếp cận dễ hơn, hàng hoá vận chuyển được nhiều hơn. 

Ngoài ra, tàu đường sắt tốc độ cao khi kết hợp với tàu hàng sẽ chia sẻ được chi phí, bởi nguồn thu từ chở hàng rất lớn. Việc này cũng góp phần đưa giá vé chở khách về mức hợp lý hơn, đảm bảo cạnh tranh được với hàng không giá rẻ và đường bộ, nhất là khi đường sắt có lợi thế an toàn, tính đúng giờ hơn hẳn các phương thức vận tải khác. 

Nhà ga đường sắt lớn nhất tại frankfurt (Đức). Ảnh: Vũ Điệp.

“Ngoài việc cạnh giá về giá vé, so với hàng không đường sắt tốc độ cao lợi thế không phải ra nhà ga chờ trước 2 tiếng như đi máy bay, không bị chậm huỷ chuyến. Thay vào đó cứ đến giờ là tàu chạy, khi lên tàu khách có thể thoải mái làm việc. 

Do vậy ở cự ly di chuyển từ 300 -800km chắc chắn đường sắt có lợi thế để cạnh tranh được với hàng không”, ông Đông nói.

Theo Liên danh tư vấn thẩm tra, giá cước vận chuyển hành khách trên tàu 250 km/h chỉ bằng 75% mức trung bình của vé máy bay giá rẻ. Mức giá này phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Trong khi giá cước hàng hóa chỉ bằng 40% giá cước vận tải hàng không, lại thêm doanh thu từ cho thuê mặt bằng thương mại tại nhà ga sẽ giúp giá vé đường sắt hợp lý với thu nhập của đa số người dân.