Ngày 6/1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025. Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2024, giao thông vận tải đường sắt bị gián đoạn và thiệt hại nặng nề từ sự cố sạt lở tại hầm Chí Thạnh, hầm Bãi Gió, ảnh hưởng của bão Yagi, Trà Mi và nhiều đợt mưa lũ khiến hạ tầng hư hỏng nặng.

Tuy nhiên, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đột phá, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới, kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, lịch sử, văn hóa, di sản như: Khai trương tàu SE21/22 chạy Sài Gòn – Đà Nẵng, hành trình kết nối di sản miền Trung, hành trình đêm Đà Lạt; tàu chanter. Tổng Công ty cũng phối hợp tổ chức chương trình thời trang “Thanh Xuân” tại Ga Sài Gòn; ra mắt tàu du lịch hạng sang Sjourney; đưa đoàn tàu La Reine (Hoàng hậu) khai thác trên tuyến Đà Lạt – Trại Mát…

Cùng với vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng tổ chức các đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa, nông sản từ Sóng Thần sang trung Quốc. Lần đầu tiên, ngành đường sắt đã vận chuyển thành công khí thiên nhiên hóa lỏng LNG từ Nam ra Bắc.

W-Ga tau   Chi Hieu (5).jpg
 Đường sắt vận chuyển 7 triệu lượt hành khách, lợi nhuận trên 220 tỷ năm 2024. Ảnh: Chí Hiếu

Với những giải pháp đột phá, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty tiếp tục duy trì được tăng trưởng với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Cụ thể, trong năm 2024, hành khách đi tàu đạt trên 7 triệu lượt, tăng 14% kế hoạch và cùng kỳ. Vận chuyển hàng hóa đạt trên 5 triệu tấn, vượt 7,1% kế hoạch và 11,4% cùng kỳ.

Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty ước đạt gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với kế hoạch và 7,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 220 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động ước đạt gần 13 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. 

Đánh giá cao những kết quả trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, sắp tới ngành đường sắt sẽ bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển mình của dân tộc khi vừa qua Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam. “Đây là thành quả sau 18 năm nghiên cứu và nhận được sự đồng thuận cao của Đảng, Nhà nước ta”, ông Huy nói.

Dự án đường sắt cao tốc khởi công vào năm 2027, khi hoàn thành sẽ bàn giao cho VNR vận hành, khai thác và bảo trì. Vì vậy, ông Huy yêu cầu ngành phải suy nghĩ, có giải pháp cụ thể về nguồn nhân lực để phục vụ dự án này.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT cũng lưu ý VNR cần quan tâm đến phát triển công nghiệp đường sắt. Bộ GTVT sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, nhưng VNR cần xem xét kinh phí, lựa chọn đối tác để liên danh, liên kết và có lộ trình phù hợp.